Ngày 6/11, UBND TPHCM có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về triển khai dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Trong đó TPHCM thống nhất với ý kiến của Bộ Giao thông vận tải về đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm sớm hoàn thành 2 dự án đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và dự án đầu tư đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (không đi qua địa bàn TPHCM) để góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Quốc lộ 1 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tuy nhiên, UBND TPHCM cũng cho rằng “việc hỗ trợ đầu tư bằng thu giá dịch vụ đoạn cao tốc TPHCM - Trung Lương trong 8 năm 02 tháng với mức giá khởi điểm 1.700 đồng/PCU.Km (PCU là đơn vị xe con quy đổi, lấy ôtô 5 chỗ làm chuẩn) cần cân nhắc thêm, do trạm thu giá rất gần so với trạm thu giá Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có thời gian thu giá tương đối dài”.
Được biết, cao tốc TPHCM – Trung Lương đã được Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại và dịch vụ Yên Khánh mua quyền thu phí trong thời gian 5 năm; dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm 2018. Vì thế, thông tin cao tốc TPHCM – Trung Lương có thể tiếp tục thu phí thêm 8 năm 02 tháng bị một số tài xế phản đối bởi nó không hợp lý.
Anh Nguyễn Hoàng, tài xế thường chạy trên tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương cho biết, từ khi có tuyến cao tốc này đã giúp cho công việc của anh rất nhiều. Tuy nhiên, việc kéo dài thu phí theo anh Hoàng là quá vô lý bởi anh sẽ phải đóng tiền cho một con đường mà anh không chạy và thực tế là nó cũng chưa hoàn thành.
“Mình đi đường nào trả tiền đường đó là bình thường nhưng mà có tuyến đường chưa xây, chưa đi mà lại trả tiền, đó là chưa biết là có làm không. Trong khi nhiều trạm thu phí tràn lan như bây giờ. Bà con đang kêu la quá nhiều về chuyện thu phí bất hợp lí mà thu phí trước cho dự án chưa thi công, chưa làm, chưa được chạy là bất hợp lý và tôi phản đối điều này”, anh Hoàng nói.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học Kỹ thuật Môi trường thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cũng cho rằng ở đây có sự không minh bạch và rõ ràng là bất hợp lý.
Ông Ninh đặt vấn đề: Bộ Giao thông vận tải đề nghị TPHCM hỗ trợ, không phải bằng cách lấy quỹ của thành phố mà lại kéo dài thu phí thì rõ ràng là “hành dân”, “móc túi” người dân.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh cho rằng nếu Chính phủ đã quyết làm các dự án Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ thì Chính phủ hỗ trợ các tỉnh thành có dự án đi qua như Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ chứ không thể bắt TPHCM hỗ trợ bằng cách kéo dài thời gian thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương bởi người dân sẽ bị thiệt hại.
Theo ông Ninh, nên ngừng ngay ý định trên do sự bất hợp lí, thể hiện sự không minh bạch trong kinh doanh bởi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thực tế đã có nhiều sai phạm.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh nhận xét: “Trong làm ăn không minh bạch, không rõ ràng bây giờ bắt người dân đi trên cao tốc TPHCM – Trung Lương tiếp tục đóng tiền thu phí kéo dài là bất hợp lí. Phương án này là không nên, phải tìm con đường khác minh bạch hơn và phải để quyền lợi của người dân lên trên hết”.
Tiến sỹ Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông cũng cho rằng đây là vấn đề lớn, đụng chạm nhiều nên sẽ phải có ý kiến của Quốc hội. Theo Tiến sỹ Sanh, ngay từ đầu, tính chất của sự việc này đã “vi phạm pháp luật". Khi đầu tư vào Dự án cao tốc TPHCM – Trung Lương, nhà đầu tư đã tính toán thời gian thu phí và khi hoàn thành thì phải ngừng thu phí bởi đã hoàn thành hợp đồng, vì thế nếu tiếp tục thu là sai.
Nhắc lại một số lùm xùm trong quá khứ về việc triển khác các dự án, việc đặt trạm thu phí ở các dự án BOT sai vị trí, thu sai đối tượng, ông Sanh cho rằng hiện nay các vấn đề thu phí, BOT…đang là vấn đề nóng, người dân quan tâm nên khi làm gì cũng phải xem lại tính pháp lý rồi mới bàn tiếp.
Theo Tiến sỹ Phạm Sanh, tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận được dự đoán là có hiệu quả kinh tế cao nên nếu như đấu thầu công khai thì sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia. Nếu trong trường hợp quyết triển khai phương án gây tranh cãi thì đây là hành động “mượn tiền của dân” thì phải tính đến các giải pháp tiếp theo.
“Nếu thu nữa tức là huy động sức dân rồi và như vậy phải báo cho Quốc hội hoặc xin ý kiến như thế nào? Tại vì dân cho mượn tiền để làm thêm đường cao tốc mới, vậy thì cao tốc mới có thu tiền dân không vì đây là tiền dân cho mượn trước”, ông Sanh nói.
Trong bối cảnh nhiều dự án BOT, BT bị sai phạm và bị người dân phản ứng bằng nhiều cách như thời gian qua thì bất cứ dự án nào trong thời gian sắp tới cũng phải tính toán kỹ lưỡng, phải xem trọng lợi ích của người dân để tránh lặp lại các sự việc đáng tiếc.