|
Tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm BOT Biên Hòa. |
Trạm BOT Biên Hòa chưa thu phí trở lại
Theo thông báo trước đó từ Công ty Cổ phần Đồng Thuận (chủ đầu tư), vào 0h ngày 16/10, trạm thu phí BOT Biên Hòa (đặt trên quốc lộ 1, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) sẽ thu phí trở lại và áp dụng mức giảm 20% giá vé cho các phương tiện khi qua trạm.
Mức thu phí mới từ 25.000 đồng/lượt tới 140.000 đồng/lượt, thay cho trước kia là 35.000 đồng/lượt tới 180.000 đồng/lượt.
Tuy nhiên, theo ghi nhận vào sáng 16/10, BOT Biên Hòa vẫn tiếp tục xả trạm, các cabin thu phí đóng kín, phương tiện được qua lại tự do, đồng thời xuất hiện thông tin cho rằng trạm sẽ thu phí trở lại vào ngày 18/10.
Trả lời trên báo điện tử Vietnamnet, ông Trịnh Tuấn Liêm - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai thông tin: Ngày 18/10 BOT Biên Hòa vẫn sẽ chưa thu phí trở lại, khi nào thu lại sẽ thông tin chính thức, còn Công ty Cổ phần Đồng Thuận không có phản hồi về thông tin nêu trên.
Trước đó, bắt đầu từ cuối tháng 9 tới nay, ít nhất 9 lần các tài xế đã dùng tiền lẻ, tiền xu mệnh giá từ 200 - 500 đồng mua vé qua trạm thu phí tuyến tránh TP Biên Hòa (BOT Biên Hòa) ở cả 2 chiều khiến giao thông trên quốc lộ 1 liên tục bị ách tắc. Ngày 5/10, BOT đã xả trạm để phương tiện qua lại tự do, tránh việc quốc lộ 1 bị tê liệt.
Không dời trạm BOT Cai Lậy về đường tránh
Cũng vào sáng cùng ngày (16/10) tại trụ sở UBND xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, Tiền Giang đã diễn ra buổi tiếp xúc, thông tin về việc thu hồi vốn trạm thu phí BOT tuyến tránh Cai Lậy (trên quốc lộ 1) do ông Ngô Văn Vụ - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cai Lậy chủ trì.
Trước đó, UBND các xã Mỹ Thành Nam, Bình Phú, Phú An và Phú Nhuận đã ký giấy mời một số hộ dân của các xã này đến trụ sở UBND xã Bình Phú để gặp mặt.
Tại đây, huyện báo cáo tình hình dự án và mức giảm phí tối đa (100%) giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ sở hữu có hộ hộ khẩu thường trú (không kinh doanh vận tải) tại 4 xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy; giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang.
Đáng chú ý nhất là thông báo chủ trương không dời trạm thu phí về đường tránh, và điều này đã nhận được những phản ứng không đồng tình của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Ông Đặng Thành Lâm, chủ Doanh nghiệp tư nhân Tám Lập, ở xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, cho rằng đoàn xe của ông chỉ đi vài km trên quốc lộ 1, hoàn toàn không đi trên tuyến đường tránh nhưng vẫn thu phí như vậy là không hợp lý. Theo ông Lâm, quan điểm của các doanh nghiệp "trước sau như một là yêu cầu dời trạm chứ không phải giảm giá".
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, một số người dân cũng có ý kiến cho rằng dự án này đền bù chưa thỏa đáng ở khu vực trạm thu phí. Một số người khác thì yêu cầu phải làm rõ việc đặt trạm BOT thu phí đúng hay sai vị trí để người dân được biết.
|
Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. |
Giảm 25% giá vé qua trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ
Bộ GTVT, liên danh nhà đầu tư và Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vừa ký phụ lục hợp đồng dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (TP Hà Nội) theo hình thức BOT.
Theo đó, Bộ GTVT, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã thống nhất điều chỉnh giảm 25% giá vé (so với mức cũ) cho tất cả các loại phương tiện lưu thông trên tuyến, kể từ 0h ngày 15/10/2017. Đồng thời, thời gian hoàn vốn dự kiến của dự án cũng được điều chỉnh giảm từ 17 năm 2 tháng 18 ngày (ban đầu) xuống còn 15 năm 6 tháng 14 ngày.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện điều chỉnh giảm 25% giá vé cho tất cả phương tiện kể từ 0h ngày 15/10/2017. Sau khi áp dụng thu giá sử dụng dịch vụ theo mức mới, tất cả các chủ phương tiện đều bày tỏ vui mừng, ủng hộ và chấp hành nghiêm chỉnh phương án thu giá tại các trạm trên tuyến”.