Solidiance, Công ty Tư vấn Chiến lược hàng đầu tại châu Á, vừa công bố nghiên cứu về thị trường ôtô dưới 9 chỗ tại Việt Nam. Theo đó, giai đoạn 2012-2016, Việt Nam là quốc gia có ngành ôtô tăng trưởng nhanh nhất khối ASEAN. Tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 38%. Nếu tính riêng quãng 2015-2016, Việt Nam đạt tăng trưởng 36%, trong khi Indonesia chỉ tăng nhẹ 5%, Thái Lan giảm 4% và Malaysia giảm 13%.
Tỷ lệ sở hữu ôtô của Việt chỉ đạt 16 xe/1000 dân. |
Hầu hết lượng ôtô bán ra ở Việt Nam tập trung ở các đô thị loại 1. Hai thành phố giàu có Hà Nội và TP.HCM là nơi sống 17% dân số cả nước, đóng góp 35% vào GDP quốc gia và chiếm khoảng 45% tổng số xe đăng ký mới hàng năm.
Tính đến năm 2016, Hà Nội và TP.HCM có lượng ôtô đăng ký mới tương ứng 291.000 xe và 211.000 xe. Gần 600.000 ôtô còn lại rải rác ở khắp các tỉnh thành khác.
Tuy nhiên, xét theo quy mô một quốc gia hơn 90 triệu dân như Việt Nam, số người sở hữu ôtô chưa thực sự tương xứng, chỉ đạt 16 xe/1.000 dân. Có nghĩa là kém Malaysia 21 lần, với 341 xe/1.000 dân. Thái Lan đạt 196 xe/1.000 dân và Indonesia là 55 xe/1.000 dân.
Nghiên cứu của Solidiance cho rằng, thuế phí là một trong những rào cản lớn nhất để người Việt chạm tới giấc mơ ôtô. Để có thể lái một chiếc ôtô hợp pháp trên đường, người Việt phải chịu 3 loại thuế và 5 khoản phí khác nhau, đẩy giá xe lên cao hơn rất nhiều so với các nước láng giềng.
Ví dụ, cùng là Toyota Fortuner bản 2 cầu, máy xăng 2.7L, ở Việt Nam bán 1,308 tỷ đồng. Nhưng tại Indonesia, giá chỉ có 519,4 triệu rupiah (883 triệu đồng), và tại Malaysia là 199,9 nghìn ringgit (1,01 tỷ đồng). Phép so sánh tương tự với các dòng xe khác của Toyota, như Vios, Yaris, Innova hay Camry, giá xe ở Việt Nam luôn cao hơn.
Bảng so sánh giá Toyota Fortuner của Việt Nam so với khu vực. Đồ họa: Thạch Lam. |
Ngay cả khi cam kết thuế nhập khẩu xe từ ASEAN bị xóa bỏ, việc tăng các khoản thuế phí khác có thể được xem xét nhằm tạo thêm ngân sách và hạn chế số lượng ôtô, tránh tình trạng quá tải do hệ thống giao thông chưa kịp đồng bộ, Solidiance nhận định.
Dẫu sao, thị trường ôtô Việt từ đầu 2017 xuất hiện liên tiếp các đợt giảm giá và khuyến mãi. Tất cả thương hiệu xe bình dân đều tham gia cuộc đua mà Trường Hải khai mào. Toyota xưa nay kiên định giữ giá bán để bảo vệ khách hàng cũng bị cuốn theo cuộc chiến, thậm chí bao gồm cả thương hiệu đến từ châu Âu như Volkswagen và Peugeot.
Tăng trưởng kinh tế và môi trường thương mại hóa tự do khiến Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường ôtô tăng trưởng nóng. Việt Nam hiện có nhóm người giàu tăng rất nhanh (thu nhập trên 1.000 USD/tháng), tăng 15% mỗi năm. Dự kiến, nhóm này sẽ tăng lên 45 triệu người vào 2025.
"Thu nhập nhiều hơn, người tiêu dùng sẽ lựa chọn phương án di chuyển an toàn và thoải mái hơn", Solidiance cho biết. "Người tiêu dùng Việt bắt đầu xóa bỏ sự phụ thuộc cả họ vào xe 2 bánh".
Bản nghiên còn cứu dự đoán, giai đoạn 2017-2020, thị trường ôtô Việt sẽ tăng trưởng 13%. Tổng lượng ôtô bán ra dự kiến chạm mức 225.000 xe vào năm 2020