Cần nguồn vốn từ các nhà đầu tư
Thực tế hiện nay không ít bệnh viện tư có trang thiết bị y tế hiện đại, có những trang thiết bị y tế thuộc hàng “khủng” trên thế giới mà các bệnh viện công "có mơ" cũng không thể có được. Tất nhiên đó là do những bệnh viện tư có tiềm lực tài chính mạnh, tâm huyết đầu tư vào lĩnh vực y tế nhưng lại không thu hút được bệnh nhân, không ít bệnh viện tư phải ngắc ngoải, có bệnh viện phải đóng cửa.
Lâu nay, nếu nói đến kỹ thuật điều trị u xơ tử cung không cần phẫu thuật thì chỉ có duy nhất Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang (TP.HCM) sở hữu kỹ thuật MRI-HIFU. Đây là một kỹ thuật hiện đại điều trị u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung mà không cần phẫu thuật xâm lấn, đảm bảo sau khi điều trị phụ nữ vẫn có thể mang thai bình thường. Một kỹ thuật mà nhiều bệnh viện phụ sản lớn ở Việt Nam cũng không có.
Các bệnh viện công ở TP.HCM đang quá tải, cơ sở vật chất cũ kỹ rất cần sự hợp tác công- tư để nâng chất lượng khám chữa bệnh |
Hoặc kỹ thuật xét nghiệm gen sinh học phân tử để phát hiện sớm bệnh ung thư ở bệnh viện này cũng là mong muốn của nhiều bệnh viện công. Đó là chưa kể cơ sở hạ tầng rất khang trang, hiện đại nhưng bệnh viện này vẫn không hút được bệnh nhân, hoạt động liên tục thua lỗ đành phải đóng cửa vào cuối tháng 4 vừa qua.
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế bệnh viện tư đầu tư tốt nhưng không vận hành phù hợp vì thiếu nhân sự chất lượng cao, chưa có thương hiệu, khó lấy được niềm tin của người bệnh.
Trong khi đó tại TP.HCM, nơi có rất nhiều bệnh viện công đang quá tải nhưng nguồn ngân sách TP dành cho y tế còn quá eo hẹp, không đủ để có thể đảm bảo khám, chữa bệnh tốt nhất cho bệnh nhân.
Ông Đỗ Quý Hiệp, Phó trưởng phòng Hợp tác công – tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết tổng vốn tư đầu của TP trong giai đoạn 2016-2020 là 30.000 tỉ đồng, dự kiến đầu tư cho y tế là 12%.
Ông Hiệp cho rằng thực tế nguồn ngân sách trên dành cho y tế chỉ mới đáp ứng được một nửa so với nhu cầu của ngành y tế, nhưng ngân sách của TP cũng chỉ có khả năng đến đó nên rất cần đến các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
“Thành phố luôn khuyến khích những dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước chuyển sang đối tác đầu tư.”, ông Hiệp khẳng định.
Nâng chất lượng khám, chữa bệnh
Nơi có quá đông bệnh nhân thì trang thiết bị, cơ sở hạ tầng còn cũ kỹ, lạc hậu; còn nơi có nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, cơ sở hạ tầng đạt chuẩn quốc tế lại thưa thớt người bệnh. Đây là một sự lãng phí lãng lớn trong nguồn lực y tế.
Theo các chuyên gia y tế, khó khăn lớn nhất hiện nay của các bệnh viện công là cơ sở vật chất cũ kỹ, bệnh nhân quá tải. Điều này là một phần nguyên nhân khiến các bệnh nhân trong nước bỏ ra nước ngoài khám, chữa bệnh, nhất là những người thuộc tầng lớp trung lưu trở lên.
Tại Hội thảo “Đối tác công – tư, phương hướng phát triển cho ngành y tế Việt Nam” diễn ra hôm 9.5, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công - tư trong ngành y tế. Đây là bài toán để tận dụng hết nguồn lực trong xã hội để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đem lại sự hài lòng cho người bệnh.
“Trong điều kiện ngân sách nhà nước eo hẹp như hiện nay, nếu không có sự hợp tác công – tư sẽ rất khó để có thể nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh”, một chuyên gia y tế nhận định.
Ông Hiệp cho hay hiện toàn TP có 10 dự án y tế đang được xúc tiến theo hình thức công – tư như: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện quận 5, khu điều trị 2- Bệnh viện Nguyễn Tri Phương…Tuy nhiên đến nay các dự án này vẫn chưa triển khai, chỉ mới đang hoàn tất thủ tục.
Hiện nay tại TP đang có dự án y tế được xem là hợp tác công – tư đó là sự kết hợp giữa Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm và Bệnh viện Nhân dân 115 ( TP.HCM).Theo đó Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm sẽ tập trung vào 4 chuyên khoa chính mà Bệnh viện 115 có thế mạnh là: nội tiết, thần kinh, chỉnh hình và tim mạch.
Trong đó, Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, còn Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ xây dựng nguồn nhân lực và điều hành.Toàn bộ lợi nhuận sẽ được chia sẻ với nhau.
Các chuyên gia y tế cho rằng, những khó khăn của y tế công hiện nay thì y tế tư có thể đáp ứng hỗ trợ để đồng hành phát triển, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân. Tư nhân có thể cấp vốn, triển khai nhanh dự án, chất lượng y tế cao hơn, bền vững hơn mà người bệnh có thể chi trả được, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Đối với hợp tác công tư, không chỉ đem lại giá trị lợi nhuận cho bệnh viện công mà cả bệnh viện tư. Khi các bệnh viện tư thực hiện hợp tác công - tư theo Nghị quyết 93 của Chính phủ thì doanh nghiệp sẽ không phải chịu thuế 4 năm đầu, sau đó là 10% ( thay vì 25%) và miễn thuế đất 10 năm cũng như được áp dụng thấp hơn trong 40 năm tiếp theo.