Cũng như nhiều loại trái cây khác, mận có một tác dụng nhất định đối với sức khỏe người dùng. Theo khoa học, mận chứa rất nhiều kali, vitamin A, sắt, vitamin B2, các vitamin nhóm B và ma giê… cần thiết cho sức khỏe. Hàm lượng vitamin C trong mận giúp ngăn ngừa cholesterol bị oxy hóa trong động mạch, đào thải những cholesterol xấu ra ngoài cơ thể, rất tốt cho tim mạch và nâng cao sức đề kháng.
Ngoài ra, hàm lượng chất xơ, vitamin C trong quả mận sẽ kích thích hệ tiêu hóa và giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn.
Vì vậy, để món ăn luôn luôn là bài thuốc bổ cho cơ thể thì cần ăn với một lượng vừa phải để tránh tác dụng phụ không mong muốn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chỉ nên ăn tối đa 10 quả một ngày, còn đối với những người có máu nóng, mọc mụn, hay người bị tiểu đường thì nên hạn chế ăn vì chất đường trong mận chín có thể ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh.
Tác hại khi ăn quá nhiều mận
Hại thận: Mận có chứa nhiều chất oxalate, do đó gây cản trở quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng kết tủa trong thận, nguyên nhân chính gây sỏi thận và sỏi bàng quang. Đặc biệt, những người bị bệnh thận hoặc có tiền sử gia đình bị bệnh này nên hạn chế hoặc không ăn mận.
Hàm lượng axit cao: Điều này có thể ảnh hưởng đến dạ dày và men răng, đặc biệt ở trẻ em. Người bị bệnh dạ dày ăn nhiều mận sẽ trầm trọng thêm bệnh.
Gây nóng: Mận có tính nóng nên ăn nhiều mận có thể gây ra các hiện tượng nóng trong, nhiệt miệng, mụn nhọt... Đặc biệt, phụ nữ mang thai không nên ăn mận vì dễ bị nóng, phát ban, không tốt cho sức khỏe của mình và thai nhi.
Làm giảm tác dụng của một số loại thuốc: Mặc dù nhiều chất dinh dưỡng, mận có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc khi ăn nhiều. Do tác dụng giảm lượng đường trong máu của mận, người vừa trải qua phẫu thuật không nên tiêu thụ mận. Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh dừng ăn mận 2 tuần trước khi phẫu thuật.