Thứ 2, 17/03/2025, 16:22 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Những điều bạn cần biết về dịch cúm mùa

Những điều bạn cần biết về dịch cúm mùa
(Tieudung.vn) - Các chuyên gia cho biết nguyên nhân là do khí hậu nồm ẩm đầu năm tạo điều kiện cho virus phát triển, cộng với mùa lễ hội, giao thương và du lịch diễn ra sôi nổi làm tăng nguy cơ lây nhiễm cúm trong cộng đồng, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Nhiều yếu tố khiến gia tăng ca mắc cúm

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh Nhiệt đới Trung ương, theo khuyến cáo của WHO về việc dùng thuốc kháng virus, với bệnh nhân nghi ngờ hoặc khẳng định nhiễm cúm nặng và với bệnh nhân nghi ngờ hoặc biểu hiện cúm mức nhẹ nhưng có kèm theo yếu tố nguy cơ nhiễm cúm nặng nên chỉ định càng sớm càng tốt thuốc kháng virus cúm, trong đó Oseltavivir là lựa chọn đầu tay nên được sử dụng; có thể cân nhắc sử dụng thuốc kháng virus Baloxavir hoặc Peramivir nếu có sẵn và không có thuốc Oseltamivir.

Có thể nói kể từ đợt đại dịch cúm A H1N1 năm 2009 đến nay, năm 2024-2025 năm số ca cúm ở nhiều nước trên thế giới bùng phát mạnh mẽ nhất. Bác sĩ Khiêm cho rằng, về lý do có thể cần các nghiên cứu điều tra và kết luận, nhưng chuyên gia này cũng nhận định có thể liên quan đến một số yếu tố: Dịch cúm xuất hiện trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho cúm bùng phát (điều kiện nhiệt độ lạnh, ẩm ở nhiều nơi); toàn cầu hóa, sự giao thương đi lại toàn cầu là yếu tố rất thuận lợi cho lây lan cúm từ quốc gia, vùng này sang vùng khác (vì cúm rất dễ lây).

Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng cúm trong dân thấp. Thực trạng đô thị hóa ngày càng phát triển, hình thành các khu có mật độ dân số đông là yếu tố thuận lợi cho cúm lưu hành; ô nhiễm không khí.

Về virus năm nay có biến đổi cấu trúc hay không, bác sĩ Khiêm cho hay còn cần phải có những nghiên cứu để đưa ra khẳng định.

Những điều bạn cần biết về dịch cúm mùa

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

“Thực tế dịch năm nay so với một vài năm về trước (những năm 2011-2012; 2015-2016) Trung tâm Hồi sức tích cực của bệnh viện đều tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân nặng vì mắc cúm, thậm chí nặng hơn bây giờ. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh lan rộng ở nhiều nước, đã có người nổi tiếng tử vong vì bệnh cúm; mọi người cũng ám ảnh lo sợ cúm mới sau đại dịch Covid-19, truyền thông đưa tin khuyến cáo nhiều nên mọi người quan tâm hơn”, bác sĩ Khiêm nói.

Bác sĩ Khiêm đánh giá việc truyền thông sâu rộng về cúm giúp người dân quan tâm hơn đến sức khỏe, chú ý đi tiêm phòng cúm và đến viện khám khi có triệu chứng. Điều này cũng góp phần làm giảm số ca nhiễm nặng, giảm số ca tử vong và giảm gánh nặng y tế cũng như chi phí y tế cho cúm.

Uống thuốc gì khi bị cúm?

Hầu hết trường hợp cúm mùa không cần dùng thuốc đặc trị (thuốc kháng virus), vì cơ thể có thể tự sản sinh kháng thể chống lại virus trong khoảng 5-7 ngày.

Người bệnh nên dùng các biện pháp điều trị hỗ trợ sớm để làm giảm triệu chứng như:

- Uống thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau

- Thuốc kháng histamine để chống chảy nước mũi

- Thuốc giảm ho gốc codein hay dextromethorphan (chỉ dùng khi bị ho khan nhiều, đau tức ngực) hay một số thuốc ho thảo dược

- Vitamin C liều cao

Các biện pháp cổ truyền như xông toàn thân, xông mũi cũng hiệu quả, giúp giảm nhanh triệu chứng. Ngoài ra, bệnh nhân cần đảm bảo ăn uống đủ chất (nhất là rau củ quả), uống nhiều nước, nghỉ ngơi tránh làm việc quá sức, giữ ấm cơ thể (đặc biệt là vùng cổ họng và vào ban đêm).

Lưu ý, thuốc kháng virus chỉ dùng cho người có nguy cơ cao hay có diễn tiến bệnh nặng. Đặc biệt là mỗi loại thuốc kháng virus thường chỉ có lên một số virus nhất định.

Do vậy, bệnh nhân chỉ nên dùng khi đã có xét nghiệm xác định được chủng virus gây bệnh. Ví dụ, thuốc kháng virus nhóm Oseltamivir (Tamiflu) chỉ có tác dụng với virus cúm A. Vì vậy, nếu bị viêm đường hô hấp cấp do cúm B, C hay không phải virus cúm, chúng hoàn toàn không có tác dụng.

Một số thuốc kháng virus khác đang có trên hiện nay cũng có tác dụng tương tự trên một số tác nhân virus khác có chọn lọc. Điều này chứng minh rằng bạn không nên tự sử dụng thuốc kháng virus vì lợi ích đem lại thấp hơn hiệu quả và đôi khi lại gặp bất lợi do tác dụng có hại của thuốc.

Dấu hiệu cảnh báo biến chứng nặng

Sau khi tiếp xúc với người bệnh khoảng 1-4 ngày, bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng: sốt cao, đau nhức cơ, mệt mỏi, ớn lạnh, ho khan, đau họng, nghẹt mũi xen chảy nước mũi. Trẻ nhỏ có thể kèm nôn, tiêu chảy.

Các triệu chứng này sẽ kéo dài khoảng 2-3 ngày. Trong thời gian này khả năng lây bệnh cho người khác rất cao, cần chú ý tránh tiếp xúc và thực hiện mọi biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng lây bệnh cho người xung quanh.

Ngày thứ 3-5 kể từ khi khởi phát, các triệu chứng sốt, đau sẽ giảm nhanh, nhưng ho dai dẳng kèm đau tức ngực (thường tăng về chiều đêm) và còn mệt mỏi kéo dài. Đây là giai đoạn khá nhạy cảm vì có thể gặp các biến chứng nặng.

Mặc dù cúm mùa thường tự khỏi, ở một số trường hợp, đặc biệt là người có bệnh nền và suy giảm miễn dịch, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi nặng do virus hoặc bội nhiễm vi khuẩn gây suy hô hấp cấp; viêm cơ tim, viêm não…

Do vậy, người bệnh cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo biến chứng nặng gồm: Khó thở (thở nhanh, co rút lồng ngực); Đau ngực kéo dài, tím tái; Lơ mơ, co giật; Nôn ói liên tục; Sốt cao kéo dài hay tái phát trở lại sau khi đã giảm/hết sốt; Ở trẻ nhỏ: bỏ bú, quấy khóc, da tái nhợt.

Nếu có một trong các triệu chứng này, người bệnh nên nhập viện ngay, đặc biệt là ở nhóm trẻ nhỏ, người già trên 65 tuổi, có bệnh nền. Tuy nhiên, bạn cũng nên thật bình tĩnh, không quá lo lắng mà nhập viện khi chưa có dấu hiệu cảnh báo,

Đối với người có xu hướng bệnh cải thiện, khả năng lây cho người xung quanh đã giảm nhưng vẫn cần chú ý thực hiện tốt vệ sinh phòng bệnh. Nếu sau 5-7 ngày kể từ khi khỏi phát, các triệu chứng bệnh từ từ thuyên giảm hay hết hẳn, bạn yên tâm sẽ phục hồi tốt. Ngay cả một số trường hợp hết triệu chứng nhưng mệt mỏi còn kéo dài đen hơn một tuần kế tiếp cũng không đáng ngại.

Vaccine phòng cúm mùa

Hiện nay, có hai loại vaccine cúm mùa phổ biến là vaccine tam giá và tứ giá, tương ứng với khả năng phòng ngừa 3 hoặc 4 chủng virus cúm. Tuy nhiên, cả hai loại này thường bao gồm hai chủng cúm A là H1N1 và H3N2, do đây là những chủng lưu hành thường xuyên trong các đợt dịch cúm hàng năm.

Virus cúm A có khả năng biến đổi linh hoạt, chủ yếu nhờ vào sự tái tổ hợp giữa hai loại protein bề mặt là H (hemagglutinin) và N (neuraminidase). Về mặt lý thuyết, sự kết hợp giữa 18 loại H và 11 loại N có thể tạo ra hơn 130 chủng virus khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có 9 chủng chính gây bệnh cho người, xếp theo mức độ nguy hiểm giảm dần:

H5N1, H7N9, H5N6, H7N7, H3N2, H2N2, H1N1, H9N2, H7N3.

Không phải tổ hợp HN nào cũng có khả năng xâm nhập và thích nghi với tế bào người. Tuy nhiên, do sự tái tổ hợp liên tục, một chủng cúm hoàn toàn mới có thể xuất hiện (dù hiếm), làm dấy lên nguy cơ gây ra đại dịch.

Mặc dù sự xuất hiện của một chủng cúm mới hoàn toàn là hiếm, nhưng các đột biến nhỏ trong từng chủng virus đã biết xảy ra hàng năm. Điều này gây khó khăn trong việc tạo vaccine cúm mùa, vì virus liên tục thay đổi để thích nghi.

Nhiều người có thể thấy rằng tên thương mại của vaccine cúm mùa hàng năm không thay đổi, thậm chí các chủng virus được ghi trên nhãn vaccine vẫn giống nhau. Tuy nhiên, thực chất công thức vaccine có thể đã được điều chỉnh đáng kể để phù hợp với các biến thể mới.

Để dễ hình dung, có thể ví virus cúm A như một "nhóm gà" thì các chủng cúm A khác nhau giống như các giống gà: H1N1 giống như gà tam hoàng; H3N2 giống như gà tre; H5N1 giống như gà chọi.

Mỗi giống gà có đặc điểm riêng biệt, nhưng theo thời gian, vẫn có những biến đổi nhỏ về màu lông, kích thước, hình dạng mào gà… Dù vậy, tên giống gà vẫn không thay đổi. Chỉ khi có sự lai tạo giữa các giống gà khác nhau, một giống gà hoàn toàn mới mới xuất hiện.

Tương tự, các chủng cúm A vẫn giữ nguyên tên gọi (H1N1, H3N2, H5N1…) qua các năm, nhưng bản chất của chúng có thể đã thay đổi đáng kể. Điều này đòi hỏi vaccine cũng phải được điều chỉnh để đảm bảo hiệu quả bảo vệ tối ưu, dù tên vaccine không thay đổi.

Vaccine cúm mùa dành cho năm kế tiếp được sản xuất trước 6 tháng so với mùa dịch dự kiến. Trong một số trường hợp, vaccine của năm trước có thể được tái sử dụng, nhưng chỉ khi các chuyên gia theo dõi hàng triệu mẫu virus và xác nhận rằng không có đột biến lớn xảy ra.

Một điểm quan trọng cần lưu ý là hiệu quả của vaccine cúm mùa không đạt 100%. Thông thường, mức độ bảo vệ chỉ khoảng 60%, thậm chí có thể thấp hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là vaccine kém hiệu quả.

Mục tiêu chính của vaccine cúm mùa không phải là tạo miễn dịch cộng đồng, mà là bảo vệ nhóm nguy cơ cao, bao gồm: người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền, phụ nữ .

Nhờ đó, vaccine giúp giảm số ca bệnh nặng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm áp lực lên hệ thống y tế và quan trọng nhất là giảm tỷ lệ tử vong.

Ngoài ra, vaccine còn có hiệu ứng bảo vệ chéo, nghĩa là dù chủng virus thực tế không hoàn toàn khớp với vaccine, hệ miễn dịch vẫn được kích hoạt và giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Vì vậy, tiêm vaccine cúm mùa mang lại lợi ích trực tiếp cho mỗi cá nhân được tiêm, giúp họ có hệ miễn dịch tốt hơn trước nguy cơ mắc bệnh.

Tags:
4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.60500 sec| 823.781 kb