Bộ VHTT&DL vừa phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” với mức kinh phí ước tính 230 tỷ đồng, thời gian thực hiện 12 năm. Ngay sau khi đề án được phê duyệt, nhiều câu hỏi đặt ra trong việc bảo tồn trang phục truyền thống. Bởi vì, không phải cứ đổ tiền bảo tồn là sẽ thành công, mà cách thức bảo tồn để giữ được giá trị tinh thần của mỗi bộ trang phục trong đời sống người dân mới là điều quan trọng.
Những con số đáng báo động
Trong nhiều cuộc khảo sát trước đây, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã thu về con số đáng báo động về thực tế sử dụng trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đó là 40/54 dân tộc ở Việt Nam không còn mặc trang phục truyền thống đúng như những gì mà Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đang lưu giữ, thay vào đó là trang phục công nghiệp với nhiều chủng loại, hoa văn giống hệt nhau, được bày bán tràn ngập trên thị trường.
|
Trang phục nữ truyền thống của một số dân tộc Việt trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng |
Nếu như trước đây, hầu hết các dân tộc thiểu số đều trồng bông, lanh, nuôi tằm lấy tơ để dệt vải và may trang phục, nay tỷ lệ các hộ gia đình còn duy trì nghề truyền thống này chiếm từ 5 - 10 % và chủ yếu ở một số dân tộc sinh sống tại vùng núi, vùng cao, vùng sâu.
Các dân tộc sống ở những vùng kinh tế phát triển, ven các TP, thị trấn, thị xã có đời sống kinh tế phát triển đã bỏ hẳn việc trồng các loại nguyên liệu dệt truyền thống. Không chỉ vậy, việc sử dụng nguyên liệu nhuộm màu truyền thống cũng có nhiều thay đổi. Đa số sử dụng các loại phẩm màu công nghiệp để tạo màu cho sản phẩm. Chính việc tạo ra trang phục truyền thống đã có nhiều biến đổi làm cho y phục không còn nguyên gốc, đặc biệt là các họa tiết, hoa văn trang trí không còn được độ tinh xảo.
Những dân tộc có dân số dưới 1.000 người như Rơ Măm, Ơ Đu, Thổ, Chứt… hoàn toàn không còn trang phục truyền thống. Minh chứng cho nhận định này, bà Đoàn Thị Tình, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc cho biết: "Qua nhiều chuyến điền dã, tôi nhận thấy ở vùng sâu, vùng xa, những người cao tuổi vẫn giữ được trang phục cổ truyền, nhưng hầu hết những bộ trang phục đó đã bị rách, phai màu.
Tại các bản làng gần thị trấn, TP thì khó mà tìm được những bộ trang phục nguyên gốc”. Khảo sát về bản sắc văn hóa dân tộc tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội) cho thấy cả xã này chỉ còn khoảng 100 người trong số hơn 8.000 người dân tộc thiểu số thỉnh thoảng sử dụng trang phục truyền thống, số còn lại đều mặc trang phục của người Kinh. Ngày nay, việc người dân mặc trang phục truyền thống hàng ngày là rất hiếm.
Em Vi Thị Loan, dân tộc Thái (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) chia sẻ: “Là người Thái, nhưng khi nào nhà có việc hoặc đi chơi hội, chơi Tết, em mới mặc trang phục của người Thái. Những lúc đi làm, em thường chọn mặc áo phông, áo sơ mi cho dễ làm việc, vì áo cóm của người Thái không thuận tiện khi làm việc”.
Khởi động bằng đề án 12 năm
Bộ VHTT&DL đã ban hành đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” được thực hiện trên phạm vi cả nước với kinh phí dự kiến khoảng 230 tỷ đồng.
Trong 12 năm thực hiện, đề án phải hoàn thành các công việc: Hoàn thành 100% việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; khôi phục trang phục truyền thống của 3 dân tộc đã mai một. Tiến tới đến năm 2022, 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh, TP triển khai mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và các dịp lễ, Tết, hội...
Nhiệm vụ của đề án là nghiên cứu cấp bách, khôi phục trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đã bị mai một; xây dựng ngân hàng dữ liệu về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam (quay phim, chụp ảnh, bài viết) phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và quảng bá...
Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc (thuộc Bộ VHT&DL) Nguyễn Thị Hải Nhung kỳ vọng, đề án khi đi vào đời sống sẽ giúp những chủ thể văn hóa, đồng bào các dân tộc thiểu số nhận thức được vẻ đẹp của các bộ trang phục truyền thống. Đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm của người dân trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn di sản và truyền lại cho con cháu mai sau.
Tuy nhiên, bà Nhung cũng cho rằng: Trang phục không chỉ đơn thuần là chuyện “mặc” mà còn là sự biểu trưng cho nét đẹp văn hóa trong đời sống, tâm linh tín ngưỡng, biểu đạt chức năng xã hội của người mặc, cũng như tiến trình giao thoa, tiếp biến văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác. Bảo tồn “tĩnh” trong bảo tàng, thư viện đã khó, bảo tồn “động” trong cuộc sống hằng ngày trong xu thế phát triển và hội nhập của đất nước càng khó hơn.
Hơn nữa, trong quá trình phát triển, sẽ có hiện tượng vận động và biến đổi, theo đó trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nếu sự quan tâm vào cuộc không kịp thời, không quyết liệt có thể sẽ dẫn đến nguy cơ trang phục truyền thống một số dân tộc thiểu số bị mai một và mất đi trong một tương lai không xa”.
Đánh thức bằng các hoạt động
Sơn La - một trong những tỉnh sở hữu nhiều trang phục truyền thống đặc sắc những năm qua đã chỉ đạo các huyện tổ chức Ngày hội văn hóa nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc, trong đó có trang phục truyền thống.
Tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, Sở khuyến khích hoạt động dịch vụ bán và cho thuê trang phục dân tộc phục nhu cầu của khách du lịch. Tỉnh Sơn La từng nhấn mạnh tại Lễ khai mạc “Trình diễn trang phục dân tộc”, một hoạt động trong khuôn khổ của Tuần Văn hóa Du lịch tỉnh Sơn La năm 2018 vừa qua.
“Trang phục truyền thống của các dân tộc là di sản văn hóa tồn tại từ nhiều đời, là thông điệp quá khứ để lại cho ngày nay. Việc giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống là vô cùng cần thiết. Nếu trang phục truyền thống không còn tồn tại, bị mai một sẽ làm mất đi giá trị tín ngưỡng, giá trị tâm linh và bản sắc của các dân tộc. Những bộ trang phục của đồng bào dân tộc gần như là “căn cước”, là văn hóa của một tộc người” - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Sơn La Trần Tân Phong cho biết.
Trong một cuộc hội thảo bàn về cách bảo tồn trang phục truyền thống, ông Vi Hồng Nhân - nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc miền núi cho rằng, không gian, môi trường văn hóa giúp trang phục truyền thống có “đất sống” chính là lễ hội truyền thống, những ngày văn hóa dân tộc, những câu lạc bộ giao lưu văn hóa trong từng cộng đồng hoặc giữa các cộng đồng với nhau…
Tán thành quan điểm này, GS Hoàng Nam - nguyên giảng viên trường Đại học KHXH&NV Hà Nội nêu kiến nghị, theo đó các cơ quan chức năng cần ghi hình nhằm lưu lại hình ảnh trang phục mà đồng bào dân tộc sử dụng trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, như khi lên nương rẫy, ra đồng, trong dịp lễ hội, nghi lễ tâm linh…) để có tư liệu cho việc khôi phục.
Một đề án ra đời, không có nghĩa việc bảo tồn trang phục truyền thống sẽ chắc chắn sẽ thành công. Bởi vì, nghiên cứu phục dựng chỉ để đưa trang phục vào bảo tàng, chắc chắn sẽ không còn ai hiểu giá trị của nó. Chỉ có thể gắn trang phục đó với các hoạt động của đồng bào dân tộc, thì việc bảo tồn giữ gìn mới phát huy hiệu quả.
"Việc bảo tồn trang phục truyền thống các DTTS đã được chú trọng từ lâu, nhưng hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một vẫn luôn hiện hữu. Trong công tác bảo tồn thì có bảo tồn tĩnh trong bảo tàng, thư viện, và bảo tồn động trong đời sống hằng ngày, thì để bảo tồn bền vững, lâu dài là phải chú trọng bảo tồn động. Chính đồng bào phải có niềm tự hào dân tộc, và đưa nhu cầu bảo tồn trở thành nhu cầu tự thân của đồng bào các dân tộc." - PGS. TS Lâm Bá Nam - Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học "Muốn bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống trong đời sống đương đại thì có nhiều cách, một trong số đó là tạo không gian, môi trường văn hóa cho đồng bào các dân tộc có dịp trưng diện những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình." - Ông Vi Hồng Nhân - nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc miền núi |