Chiều 5-4, Ngay sau khi Bộ Y tế công bố 2 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã họp khẩn cấp yêu cầu UBND TP HCM tăng cường giám sát, phòng tránh lây lan từ virus này. Đồng thời, Bộ Y tế cũng khẳng định dồn sức phòng chống dịch bệnh người dân không nên quá lo lắng.
Đường truyền gây bệnh Zika là do muỗi
Tính đến cuối tháng 3.2016, trên thế giới đã có 61 quốc gia báo cáo có ca bệnh do virus Zika. Dịch bệnh chủ yếu lan rộng ở khu vực Trung và Nam Mỹ. Các quốc gia gần Việt Nam như Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Campuchia cũng đã ghi nhận ca bệnh Zika.
Tại Việt Nam qua việc tiến hành kiểm tra chéo 1600 mẫu máu, cả nước đã phát hiện hai trường hợp nhiễm virus Zika, gần với chủng virus Zika ở Brazil. Bộ Y tế tạm kết luận đường truyền gây bệnh cho cả hai bệnh nhân là do muỗi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến họp khẩn cùng UBND TP HCM tăng cường giám sát dịch bệnh Zika.
GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM chia sẻ, thành phố đã tổ chức 30 điểm giám sát cộng đồng để kịp xử lý các ca bệnh nhẹ liên quan đến virus Zika. Đây cũng là địa phương đầu tiên tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng trong năm 2016 tại huyện Bình Chánh.
Trường hợp bệnh nhân L. (ngụ tại quận 2-TP HCM) đang mang thai 8 tuần nhiễm virus Zika đã được phát hiện nhanh. Khi nhập viện người bệnh có các triệu chứng bị sốt, phát ban nhẹ, đau mình mẩy, hiện sức khỏe người bệnh tiến triển tốt và đã được xuất viện.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Trong khi các nước xung quanh đã xuất hiện trường hợp nhiễm virus Zika thì đến bây giờ Việt Nam mới có một hai ca dương tính với virus này là điều đương nhiên, người dân không nên quá hoang mang”. Đồng thời, Bộ trưởng Tiến cũng nhấn mạnh nếu tình hình biến đổi khí hậu tiếp diễn ra như hiện nay thì không chỉ có Zika mà sẽ xuất hiện nhiều loại dịch bệnh khác.
Trong cuộc họp khẩn Bộ Y tế và UBND TP HCM đều khuyến cáo người dân bình tĩnh, nếu không cần thiết không nên đến nơi có vùng dịch. “Hạn chế để bị muỗi đốt, muỗi truyền dịch Zika là muỗi vằn, thường chích máu vào quãng 9 -10 giờ sáng, loại muỗi này thích đẻ ở nước sạch, nước trong chứ không phải nước bẩn. Tốt nhất người dân không nên để nước đọng quanh nhà” – Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý người dân trong vùng dịch.
Người dân không nên quá hoang mang
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ cho rằng, bệnh Zika liên quan đến hội chứng đầu nhỏ của thai nhi sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các thai phụ. Cần có khuyến cáo sớm để tránh trường hợp các thai phụ dồn dập đi làm xét nghiệm tầm soát khiến bệnh viện sản rơi vào tình trạng quá tải.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em cho biết: “Các thai phụ không nên lo lắng nhiều. Chỉ những thai phụ đang mang thai 3 tháng đầu của thai kỳ có các biểu hiện như sốt, đau mình mẩy, sốt phát ban, viêm kết mạc mới cần đi xét nghiệm. Ngoài ra, những người đi từ vùng dịch về hoặc có người thân đi từ vùng dịch về xuất hiện những biểu hiện trên thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên để nước đọng quanh nhà, tránh làm nơi sinh sản cho muỗi - lăng quăng.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện Hùng Vương chia sẻ, trẻ sinh ra bị tật đầu nhỏ có nhiều nguyên nhân, nhiễm virus Zika liên quan tới tật đầu nhỏ nhưng không phải tất cả các trẻ bị đầu nhỏ đều do virus Zika gây ra. Trước đây, tại bệnh viện cũng đã từng phát hiện thai nhi bị bệnh đầu nhỏ. Muốn phát hiện sự bất thường của thai nhi cần siêu âm 3, 4 chiều vào tuần thứ 20 - 22 của thai kỳ, tật đầu nhỏ ảnh hưởng tới sự phát triển tâm thần về sau của đứa trẻ.
Tại TP HCM, cơ sở y tế ở 24 quận huyện đều được tăng cường chủ động kiểm tra, giám sát dịch bệnh, đặc biệt những vùng có nguy cơ sốt xuất huyết cao. Cửa khẩu Tân Sơn Nhất tiếp tục giám sát thân nhiệt của tất cả hành khách nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt từ xa, lưu ý những hành khách đến từ vùng Nam Mỹ và Caribbean về. Tiến hành diệt muỗi- loăng quăng ở đường phố, trước mắt là đường Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng và sở thú với thể tích lớn, riêng quận 2 phát động người dân tổ chức chiến dịch diệt muỗi - lăng quăng.
Các Bệnh viện Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, các bệnh viện đa khoa thành phố, quận, huyện, các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập có khoa Sản – Nhi - Nhiễm tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh nghi ngờ có yếu tố dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP HCM để chẩn đoán kịp thời và báo cáo về Trung tâm y tế Dự phòng thành phố.
Mai Phương-tieudung24g.net