Thời gian vừa qua những di chứng do virus Zika gây ra trên thế giới khiến WHO phải phát thông báo Zika đang đe dọa toàn cầu. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết, chẩn đoán và điều trị khi bị nhiễm virus Zika.
Virus Zika được cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới chứng bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. |
Tại "Hội thảo tập huấn đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh do virus Zika" vừa qua Bộ Y tế đã cung cấp những hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh do virus Zika như sau:
1. Triệu chứng
Triệu chứng lâm sàng: Đối với người có dấu hiệu mắc Zika, thời gian ủ bệnh sẽ bắt đầu từ ba đến 12 ngày. Tuy nhiên, khoảng 60%-80% các trường hợp nhiễm virus Zika không có triệu chứng lâm sàng.
Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng: Sốt nhẹ 37,5-38,5 độ C. Nổi ban sần trên da, đau đầu, mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt.
2. Điều trị
Hiện nay bệnh do virus Zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy điều trị triệu chứng là chính. Khi bị nhiễm virus Zika, người bệnh cần nghỉ ngơi, hạ sốt bằng paracetamol. Không sử dụng aspirin và các thuốc giảm đau NSAID.
Cùng với đó, cần bồi phụ nước và điện giải, uống đủ nước oresol, nước trái cây hoặc nước sôi để nguội. Vệ sinh mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9%. Theo dõi các biểu hiện tổn thương thần kinh như yếu, liệt cơ...
Đối với phụ nữ có thai cần hội chẩn với chuyên khoa sản để theo dõi bất thường về thai nhi. Theo dõi siêu âm thai hai tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.
3. Phòng ngừa
Không có phòng ngừa đặc hiệu với virus Zika, vì vậy chúng ta cần ngăn ngừa muỗi đốt bằng cách ngủ mùng và mặc quần áo dài kể cả ban ngày. Diệt lăng quăng bọ gậy, giết muỗi bằng các biện pháp phun xịt...
Mẹ bị nhiễm virus Zika cho con bú bình thương vì không tìm thấy Zika trong sữa mẹ. Mẹ sống trong vùng có dịch lưu hành mà Zika (-) trong thai kỳ thì theo dõi thai kỳ chặt chẽ.
Khi đến vùng có Zika lưu hành nên tư vấn cán bộ y tế trước và sau khi trở về. Không để bị muỗi đốt.