Bệnh viện Nhi Trung ương vừa có thông báo, hiện nay, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có một số đối tượng không phải cán bộ Bệnh viện Nhi T.Ư nhưng mượn danh bệnh viện để tư vấn, bán thuốc, thực phẩm chức năng, men vi sinh, khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn... nhằm trục lợi.
Một số đối tượng đã mạo danh trong thời gian dài, nhằm lợi dụng lòng tin của nhiều khách hàng. Bệnh viện Nhi T.Ư đề nghị người dân, người nhà bệnh nhân cần kiểm chứng thông tin trước khi mua hàng để tránh bị lợi dụng sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng
Khi gia đình có trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe, cần đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và đưa ra hướng tư vấn, điều trị phù hợp.
Mọi thông tin cần thông báo, xác minh vui lòng liên hệ qua tin nhắn facebook của Bệnh viện Bệnh viện Nhi T.Ư hoặc gọi điện trực tiếp qua số điện thoại Hotline: 037 2884712.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ tài khoản facebook Trần Văn Huy đã mạo danh làm việc tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Sau khi phía BV Nhi T.Ư khẳng định, ở BV không có bác sĩ này, thì chủ tài khoản facebook kia lại cập nhật lại làm việc ở BV Đa khoa Phương Đông.
Hà nội mới đưa tin, tháng 8/2019 Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã phản ánh về tình trạng, thời gian gần đây, trên mạng xã hội đăng nhiều thông tin về việc bệnh viện có bán, kiểm nghiệm thuốc điều trị bạc tóc, thuốc trị nám, sản phẩm làm đẹp. Trong khi đó, bệnh viện không sản xuất, kiểm nghiệm các loại thuốc này. Không những vậy, có phòng khám, cơ sở khám, chữa bệnh còn mang danh Bệnh viện trung ương Quân đội 108 để quảng cáo thu hút bệnh nhân. Theo Bệnh viện trung ương Quân đội 108, hiện bệnh viện chỉ có địa chỉ duy nhất tại số 1 Trần Hưng Đạo (quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội). Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh mang tên “Viện 108” hay “Viện quân đội 108”… ở các địa chỉ khác đều là giả mạo.
Trước đó, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng đã nhận được phản ánh về việc một số đoàn khám bệnh mạo danh bệnh viện để đi tư vấn sức khỏe, quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng; đồng thời, tổ chức các tour du lịch kết hợp khám, chữa bệnh ở Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai và một số tỉnh, thành phố khác. Bệnh viện trung ương Quân đội 108 lưu ý người dân, hằng năm, bệnh viện đều tổ chức các đoàn y, bác sĩ khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tặng quà tại một số địa phương. Song, hoạt động này là hoàn toàn từ thiện và không thu bất kỳ một khoản phí nào. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng mạo danh cán bộ y tế của bệnh viện để lừa đảo tư vấn, bán thuốc, cung cấp dịch vụ thu tiền…
Không chỉ thương hiệu bệnh viện mà ngay cả giáo sư, bác sĩ cũng bị mạo danh. Mới đây, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đã lên tiếng về việc hình ảnh và tên tuổi của mình bị một số cơ sở thẩm mỹ mạo danh dưới hình thức hợp tác. Cụ thể, một trang Facebook quảng cáo về một cơ sở thẩm mỹ viện có trụ sở tại Hải Phòng cho biết, cơ sở này đã mời Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiết Sơn về phẫu thuật. Trong khi thực tế, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiết Sơn không hợp tác với thẩm mỹ viện nào như vậy. Không chỉ Facebook mà có những website còn lợi dụng hình ảnh và danh tiếng của ông để quảng cáo, tư vấn về bệnh nam khoa…
Cũng là người thường xuyên bị mạo danh trên Facebook, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện Hà Nội) bức xúc cho biết: "Họ ngang nhiên sử dụng hình ảnh, tên tuổi của tôi để quảng cáo, có lúc họ khoác cho tôi danh hiệu bác sĩ đông y, lúc lại là bác sĩ sản khoa, rồi bán cả thuốc chữa rụng tóc... Điều này ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân tôi và uy tín của bệnh viện. Nguy hại hơn, có những người dân cả tin nghe theo những lời quảng cáo đó, khiến họ rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”…
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để bán thuốc trên mạng xã hội đều là giả mạo. Ngành Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân.
“Để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và gia đình mình, người dân cần nâng cao cảnh giác, không bị các đối tượng mạo danh bác sĩ, hay bệnh viện điều trị, kê đơn, bán thuốc… gây thiệt hại không đáng có”, ông Nguyễn Văn Nhiên lưu ý.