Theo thống kê trên trang worldometers.info, đến 6h00 ngày 18/4 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có tổng cộng 2.235.382 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 153.818 ca tử vong và 569.953 người đã bình phục. Trong khi dịch đang trên đà dịu đi ở nhiều nước châu Âu thì tại Mỹ số ca mắc bệnh mới và tử vong trong ngày vẫn là những số liệu kinh hoàng.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Aachen, Đức ngày 15/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Trump cáo buộc Trung Quốc giấu số người chết, WHO bảo vệ Bắc Kinh
Trong ngày 17/4 Trung Quốc thông báo điều chỉnh số người chết vì COVID-19 tại thành phố Vũ Hán, tăng thêm 1.290 người (tương đương 50%), lên 3.869 người chết tại đây. Theo đó tổng số người chết vì COVID-19 của Trung Quốc đại lục là 4.636 người.
Ngay cả khi Trung Quốc đã công bố điều chỉnh, tăng thêm số người chết, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn cáo buộc những số liệu của Bắc Kinh là không đúng.
"Nó cao hơn nhiều so với trước đó và cao hơn nhiều của Mỹ, cao hơn rất nhiều!", ông Trump tweet nhưng không đưa ra chứng cứ.
Không chỉ ông Trump, các nhà lãnh đạo của Pháp và Anh cũng đã chất vấn về việc kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí đã nói sẽ thật "ngây thơ" khi tin rằng Bắc Kinh đã xử lý tốt đại dịch.
Trong cuộc họp báo thường nhật 17/4 Bắc Kinh đã một lần nữa khẳng định không có chuyện che giấu thông tin về dịch bệnh ở Trung Quốc. "Không có bất cứ sự che giấu nào và chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép điều đó", người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 17/4 nói nhiều quốc gia rồi cũng sẽ làm giống Trung Quốc trong việc chỉnh sửa tổng số người chết sau khi bước vào giai đoạn kiểm soát được dịch bệnh.
WHO cho rằng thành phố Vũ Hán bị quá tải trong dịch bệnh nên chính quyền đã không thể đảm bảo ghi nhận chính xác mọi ca nhiễm cũng như tử vong vì COVID-19.
Phát biểu trong cuộc họp báo qua mạng ngày 17/4, bà Maria van Kerkhove, phụ trách kỹ thuật trong đại dịch COVID-19 của WHO nói: "Tôi đoán là nhiều nước sẽ ở tình huống tương tự, họ sẽ phải quay lại và xem xét các hồ sơ lưu để xem liệu chúng ta đã ghi nhận tất cả chưa?".
Theo bà Maria van Kerkhove, chính quyền Vũ Hán đã xem xét lại cơ sở dữ liệu của họ và kiểm tra chéo những thông tin chưa nhất quán.
Anh đứng đầu châu Âu về số ca thiệt mạng
Con số được Bộ trưởng phụ trách kinh doanh Anh, ông Alok Sharma công bố trong buổi họp báo thường nhật về COVID-19 cho thấy, nước Anh có thêm 847 bệnh nhân thiệt mạng trong ngày 17/4, dù chưa tính số tử vong ngoài bệnh viện.
Tổng cộng, số ca tử vong từ đầu dịch tại Anh là 14.576 người. Số ca nhiễm bệnh cũng đã lên tới trên 108.000 người.
Với các diễn biến này, nước Anh đang trở thành nước có các tổn thất vì COVID-19 lớn nhất tại châu Âu trong gần 1 tuần qua. Giới khoa học nước này cũng dự báo, do các phản ứng chậm chạp của chính phủ Anh, tổng số nạn nhân Covid-19 tại Anh có thể lên tới 60.000 người, cao nhất châu Âu.
Đứng trước sức ép này, chính phủ Anh cho biết sẽ thành lập một đội “đặc nhiệm”, quy tụ các cơ quan chính phủ, các viện nghiên cứu và các tập đoàn dược phẩm để thúc đẩy nhanh nhất việc tìm kiếm vaccine. Trước mắt, chính phủ Anh sẽ đầu tư 14 triệu bảng để tài trợ cho 21 dự án nghiên cứu vaccine.
Hiện tại, hơn 1 triệu liều vaccine do các nhà khoa học Anh tại trường Đại học Oxford nghiên cứu đã được đưa vào sản xuất, dù các thử nghiệm chưa cho kết luận cuối cùng là liệu vaccine này có hiệu quả hay không. Trường Đại học Oxford cho biết, trong kịch bản tốt nhất thì cũng phải đến tháng 9/2020, vaccine này mới có thể được đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, chính phủ Anh cũng cho lập lại đội ngũ y tế chuyên điều tra lịch sử dịch tễ của các ca nhiễm bệnh. Động thái này diễn ra sau khi có quá nhiều chỉ trích về việc chính phủ Anh sớm từ bỏ chiến lược này hồi đầu tháng 3, khi số ca nhiễm bắt đầu tăng cao tại Anh.
Italy theo dõi tiếp xúc trên điện thoại di động để dỡ bỏ phong toả
Italy đang lên kế hoạch triển khai một ứng dụng điện thoại thông minh để theo dấu tiếp xúc người dùng mắc COVID-19. Đây là một trong các biện pháp giúp quốc gia này có thể gỡ bỏ lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Hiện Italy ghi nhận số ca tử vong lớn thứ hai trên thế giới với hơn 22.000 ca, chỉ sau Mỹ. Dù đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 3/5 nhưng chính phủ nước này vẫn đang tìm cách để nới lỏng các biện pháp hạn chế đã được thực hiện hơn một tháng trước. Ngày 17/4, Liên đoàn bóng đá Italy (FIGC) cho biết các trận đấu cấp CLB ở nước này có thể sẽ được tổ chức tiếp vào “cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu”.
Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, trong ngày 17/4, nước này ghi nhận thêm 3.493 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 172.434 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong do dịch bệnh đã tăng lên 22.745 trường hợp (tăng 575 ca). Số ca hồi phục tăng lên 42.727 ca (tăng 2.563 ca).