Bạn cần bao nhiêu muối một ngày?
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng nhỏ natri, trung bình khoảng 1.500 miligam mỗi ngày là đủ. Theo nghiên cứu, mỗi người Mỹ trung bình nạp khoảng 3.400 miligam natri mỗi ngày.
Tiêu thụ quá nhiều muối có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh đột quỵ, bệnh tim và huyết áp cao. Nhưng làm thế nào để biết bạn có nạp quá nhiều muối vào cơ thể hay không?
Dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều muối
Cơ thể tích nước, sưng phù
Theo tiến sĩ Maggie Michalczyk, chuyên gia dinh dưỡng Đại học Michigan, ăn mặn khiến cơ thể giữ nước. Lượng chất lỏng dư thừa tồn tại ở mô cơ, dẫn đến sưng tấy, đầy hơi và tạo bọng mắt. Tình trạng này có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái, thiếu sức sống.
Sưng phù cơ thể cũng ảnh hưởng đến thể lực. Lượng muối dư thừa không tác động trực tiếp đến quá trình luyện tập, một số vận động viên báo cáo cảm giác nặng nề, đầy hơi sau khi ăn quá mặn, khiến thành tích giảm sút.
Các chuyên gia khuyến nghị ăn lượng muối vừa phải và các chất điện giải sau mỗi buổi tập luyện, nhưng hạn chế ăn muối trước khi tập.
Thường xuyên đau đầu
Theo tiến sĩ Michalczyk, muối dư thừa gây rối loạn tỷ lệ chất lỏng, khiến natri bị rò khỏi nguồn cung cấp nước của cơ thể, gây đau đầu do mất điện giải. Khi cơ thể thiếu quá nhiều nước, não sẽ co lại.
Ăn mặn cũng có thể dẫn đến buồn nôn, chóng mặt và nôn mửa (trường hợp nghiêm trọng), cơn đau đầu trở nên dữ dội hơn nhiều. Nếu bạn bị đau đầu, chuyên gia khuyến nghị uống nhiều nước lọc để thải natri ra ngoài.
Khát nước liên tục
Biểu hiện khát nước và khô miệng thường là do nồng độ natri quá cao. Thừa muối gây tình trạng thiếu chất lỏng. Cơ thể liên tục ở trạng thái khát để báo hiệu cần lấy lại trạng thái cân bằng.
Để khắc phục tình trạng này, chuyên gia khuyến nghị uống nhiều nước và điều chỉnh lại chế độ ăn hàng ngày. Khát nước quá mức cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
Tiểu tiện liên tục
Cơ thể dư thừa natri nên bạn đi vệ sinh thường xuyên hơn. Tiến sĩ Michalczyk giải thích muối tác động đến mức độ chất lỏng trong cơ thể, gây khát cực độ. Muối cũng ảnh hưởng đáng kể đến thận, khiến cơ quan này hoạt động kém hiệu quả. Ăn mặn trong thời gian dài dẫn đến suy thận. Điều cần làm là giảm áp lực lên thận bằng cách giảm lượng muối ăn hàng ngày.
Thèm đồ ăn mặn
Ăn mặn trong thời gian dài có thể tạo ra thói quen và hành vi kém lành mạnh. Khi cơ thể đã quen với mùi vị thức ăn mặn sẽ điều chỉnh để thích nghi. Từ đó, bạn có xu hướng bỏ thêm càng nhiều muối vào các món ăn hàng ngày để thỏa mãn vị giác. Điều này trở thành vòng luẩn quẩn khó phá vỡ.
Để thoát khỏi vòng lặp thói quen thiếu lành mạnh này, tiến sĩ Michalczyk khuyến nghị cắt giảm một lượng muối khỏi khẩu phần ăn, thêm vào thực đơn các gia vị từ thảo mộc. Khi đi ăn ở ngoài, bạn có thể yêu cầu người phục vụ chế biến món ăn nhạt, cho ít muối hơn.
Ảnh hưởng lâu dài của việc ăn quá nhiều muối
Ăn quá nhiều muối có thể gây một số ảnh hưởng không tốt đến cơ thể bạn. Nó có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cơ tim to, đau đầu, suy tim, huyết áp cao, bệnh thận, sỏi thận, loãng xương, ung thư dạ dày và đột quỵ.
Làm thế nào để cắt giảm lượng muối
Theo nghiên cứu, cứ 10 người Mỹ thì có tới 9 người hấp thụ quá nhiều natri, rất có thể, bạn cũng nằm trong số những người tiêu thụ nhiều muối. Vì vậy hãy:
Chọn thịt tươi thay vì thịt đóng gói.
Khi bạn mua rau đông lạnh, hãy chọn những loại "đông lạnh tươi" và tránh những loại đã thêm gia vị hoặc nước sốt.
Đọc kỹ nhãn và kiểm tra hàm lượng natri trong thực phẩm bạn mà mua.
Khi mua gia vị, hãy chọn những loại không chứa natri trong thành phần
Nếu bạn ra nhà hàng ăn, bạn có thể yêu cầu đầu bếp cho ít muối hơn vào món ăn của mình.