Chiều 7/2, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biết, nơi đây đã tiếp nhận điều trị cho một nữ bệnh nhân bị dị ứng thuốc khá nặng.
Nữ bệnh nhân tên Trần Thị Hoàng H. (27 tuổi) nhập viện trong tình trạng các vết mẩn đỏ, mưng mủ càng lúc nổi càng nhiều, lan rộng khắp cả người và mặt.
Nữ bệnh nhân tên Trần Thị Hoàng H. (27 tuổi) với khuôn mặt nổi mẩn. |
Nhận thấy tình trạng bất thường kể trên, cô gái đến bệnh viện tại Bình Dương thăm khám. Bác sĩ tại đây đã kiểm tra lâm sàng, kết luận bệnh nhân bị sởi và cho thuốc uống.
Tuy nhiên 2 ngày sau, vì cơ thể vẫn nổi mẩn đỏ, ngứa, mưng mủ nhiều hơn nên chị đã chuyển đến bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, tờ Zing.vn đưa tin. Theo kết quả xét nghiệm máu, chị Hoàng có dấu hiệu bị dị ứng thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin.
BS Nguyễn Viết Hợi, Trưởng khoa Nội tổng hợp BV cho biết, kết quả xét nghiệm máu và chẩn đoán cho thấy chị H. bị dị ứng thuốc, nghi dị ứng nhóm kháng sinh cephalosporin. Sau vài ngày điều trị, sức khoẻ bệnh nhân đã dần hồi phục.
"Với những trường hợp dị ứng và có phản ứng thuốc như bệnh nhân H., nếu không điều trị kịp thời và hướng điều trị không đúng có thể gây suy thận cấp, suy gan cấp, nặng hơn có thể dẫn đến suy đa tạng" - BS Nguyễn Viết Hợi chia sẻ.
BS Hợi khuyên người dân không nên tự ý mua thuốc khi chưa được kê đơn, nhất là đối với các bệnh phổ biến như đau nhức, cảm cúm… Đặc biệt lưu ý với những người tiền căn dễ bị dị ứng, viêm mũi xoan dị ứng, cơ địa dị ứng. Sau khi dùng thuốc, nếu thấy xuất hiện nổi mề đay, ngứa hoặc tức ngực khó thở phải ngay lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để khám càng sớm càng tốt.
"Nếu bệnh nhân có tiền sử dị ứng 1 số thành phần của thuốc thì nên cung cấp thông tin cụ thể cho bác sĩ lúc thăm khám, điều trị để lưu ý. Còn nếu dùng thuốc đông y thì nên uống thuốc tây y cách ít nhất 2 giờ và nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng" - BS Hợi phân tích.