Bệnh tiểu đường loại 2 là một tình trạng nghiêm trọng khiến cho lượng đường trong máu (glucose) của một người trở nên quá cao.
Một số người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có thể gặp các triệu chứng như khát nước quá mức, cần đi tiểu nhiều hơn và mệt mỏi. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm suy thận, tổn thương thần kinh và bệnh tim. Chế độ ăn uống có thể đóng một phần rất lớn trong việc giảm lượng đường trong máu - đặc biệt là ăn một nguồn protein nhất định, theo Express.
Kiểm soát lượng carbohydrate trong bữa ăn
Đây là chu trình đơn giản cho bạn biết khi ăn carbohydrate, điều đó có nghĩa là gì: Bạn ăn carbohydrate, cơ thể biến nó thành đường (chủ yếu là glucose) rồi insulin vận chuyển đường vào các tế bào.
Đó là quá trình hết sức bình thường. Vấn đề chỉ xảy ra khi bạn ăn quá nhiều carbohydrat. Chức năng insulin gặp trục trặc sẽ kéo theo sự sai hỏng trong cả quá trình. Lượng đường trong máu lúc này bắt đầu tăng.
Vì vậy, để có một mức độ đường an toàn trong máu, Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo bạn nên kiểm soát lượng carbohydrate ăn vào. Một chế độ ăn low-carb (carbohydrate thấp) được nhiều nghiên cứu chứng minh giúp bạn giảm chỉ số đường huyết.
Ăn nhiều chất xơ hơn
Một điều kì diệu của chất xơ: nó làm chậm sự tiêu hóa của carbohydrate và hấp thụ đường từ thực phẩm vào máu. Giống như một “chiếc phanh hãm”, chất xơ khiến cho chỉ số đường huyết không thể tăng vọt lên sau bữa ăn của bạn. Mức đường trong máu bắt buộc phải tăng chậm và từ từ. Và vì thế, bạn có nhiều thời gian hơn để sử dụng đường trong máu..
Một điều nữa mà bạn nên để ý, có hai loại chất xơ: hòa tan và không hòa tan. Cả hai loại chất xơ này đều quan trọng với cơ thể, nhưng chất xơ hòa tan có hiệu quả hơn trong việc giảm lượng đường trong máu.
Các loại thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: rau, hoa quả, các loại đậu và ngũ cốc nguyên cám. Mỗi ngày, một người trưởng thành nên ăn khoảng 25 gam chất xơ, đối với phụ nữ và 38 gam, đối với nam giới.
Uống nước
Uống đủ nước là một cách đơn giản để giữ mức đường huyết trong giới hạn khỏe mạnh. Ngoài việc tránh cho cơ thể khỏi mất nước, nó sẽ giúp thận của bạn lọc đường dư thừa khỏi cơ thể và thải chúng ra ngoài thông qua nước tiểu.
Nghiên cứu cho thấy những người uống nhiều nước có nguy cơ thấp hơn gặp vấn đề với đường trong máu. Nhưng hãy nhớ rằng điều này không đúng với nước ngọt và đồ uống có đường. Chỉ cần một chai nước tăng lực cũng có thể chứa vượt quá lượng đường khuyến cáo cho cả ngày. Nước thì tốt nhưng nước ngọt sẽ khiến bạn tăng cân và mắc tiểu đường.
Thắt chặt chế độ ăn
Nếu đang ăn uống một cách không kiểm soát, bạn nên bắt đầu xây dựng lại cho mình một chế độ ăn hợp lý. Tính toán để giảm lượng calo tiêu thụ, bạn sẽ giảm được cân. Kiểm soát cân nặng cũng có ảnh hưởng tích cực đến lượng đường trong máu và giảm nguy cơ bệnh tiểu đường type 2.
Đây là những lời khuyên dành cho bạn:
- Tính toán lượng calo trong khẩu phẩn ăn
- Sử dụng những bát đĩa nhỏ hơn
- Tránh những nhà hàng buffet
- Luôn đọc nhãn thực phẩm và kiểm tra bảng thành phần dinh dưỡng
- Đọc một tạp chí dinh dưỡng
- Ăn chậm lại
Chọn thực phẩm có chỉ số GI thấp
Chỉ số GI (Glycemic Index) được đặt ra để đánh giá tốc độ tăng lượng đường trong máu sau khi ăn một loại thực phẩm chứa carbohydrate. Hãy chọn những loại thực phẩm có chỉ số GI thấp. Nghiên cứu chỉ ra chúng có thể làm giảm mức đường huyết trong thời gian dài ở bệnh nhân tiểu đường type 1 và type 2.
Các loại thực phẩm có chỉ số GI thấp như: hải sản, thịt, trứng, yến mạch, lúa mạch, các loại đậu, ngô, khoai lang, hầu hết các loại trái cây và rau không tinh bột.