Ngày 10/5, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết, bệnh nhân 91 tiên lượng còn rất nặng.
Hiện nay, phi công Anh nhiễm COVID-19 phải thở máy khí quản, chạy ECMO và lọc máu. Anh phải dùng kháng sinh, kháng nấm và dẫn lưu màng phổi.
Ảnh minh họa.
Với tình trạng cả hai phổi đều đông đặc kéo dài, bác sĩ lo ngại phổi trở thành ổ dịch để vi khuẩn sinh sôi mạnh trong cơ thể bệnh nhân. Vì vậy, việc sử dụng máy thở lúc này không còn hiệu quả, hiện phụ thuộc hoàn toàn vào tim phổi nhân tạo (ECMO).
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng cho biết muốn ghép phổi còn phải tùy thuộc nhiều khả năng, trước hết phải chờ hết tình trạng phổi viêm nhiễm và có nguồn phổi hiến sẵn. Theo các chuyên gia, nếu bệnh nhân 91 không được ghép phổi thì không còn biện pháp điều trị hiệu quả, đây là hy vọng cuối cùng. Dù Việt Nam đã có 3 bệnh viện thực hiện ghép phổi, nhưng báo cáo về ghép phổi ở bệnh nhân Covid còn rất ít. Ngoài ra, để ghép phổi, các bác sĩ còn phải đánh giá nhiều điều kiện toàn trạng khác.
Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã liên tục chạy ECMO hơn 1 tháng nhưng phổi còn bị đông đặc, tràn dịch phải đặt dẫn lưu. Riêng việc xét nghiệm virus SARS-COV-2, nam phi công hết âm tính rồi đến dương tính, rất khó đoán. Việc thở máy của nam phi công cũng đã không còn hiệu quả.
Dự kiến hôm nay, ngày 10/5, bệnh nhân này sẽ tiếp tục được hội chẩn liên viện để đánh giá khả năng ghép phổi.