Sáng 16/6, Bệnh viện Phổi Nghệ An cho biết đã cấp cứu thành công cho bé trai Nguyễn Hà Gia K. (2 tuổi, ở xã Nghi Liên, TP Vinh, Nghệ An) bị ngưng tim ngưng thở do hóc thạch rau câu.
Khoảng 10h, ngày 15/6, bé K. đang ăn thạch rau câu cùng mẹ thì bị sặc khiến miếng thạch ở trong họng bị mắc kẹt. Ngay lập tức, gia đình vội đưa bé K. vào Bệnh viện Phổi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Tại đây, các bác sĩ dùng thủ thuật gắp được một phần thạch rau câu ra ngoài. Bệnh nhi tiếp tục được ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, bóp bóng đồng thời nội soi để gắp tiếp phần thạch còn lại. Sau khoảng 30 phút nỗ lực cấp cứu, bé K. bắt đầu thở lại.
“Nạn nhân bị tắc ở phế quản, khi gắp ra có rất nhiều thạch bên trong. May mắn, cháu được đưa đến bệnh viện kịp thời. Người mẹ rất nhanh trí khi cung cấp chi tiết thông tin bị hóc thạch rau câu để bác sĩ khẩn trương cấp cứu”, bác sĩ Đậu Minh Quang, Giám đốc Bệnh viện Phổi Nghệ An, nói.
Bác sỹ Nguyễn Hùng Mạnh - Trưởng khoa Hồi sức Chống độc cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị hóc dị vật. Gần đây nhất là trường hợp một cháu bé 16 tháng tuổi bị hóc giấy ăn trong lúc chơi đùa.
Trẻ nhỏ thường hay bị hóc dị vật do thói quen ngậm hoặc nhặt đồ vật nhỏ cho vào miệng, điều này cực kỳ nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng nếu không được gia đình quan tâm và phát hiện kịp thời.
Cha mẹ và những người chăm sóc trẻ cần đặc biệt lưu ý khi lựa chọn, chế biến thức ăn cho trẻ cũng như các loại đồ chơi trong nhà.
Thời gian vàng để cứu trẻ bị hóc dị vật chỉ trong khoảng 5-10 phút. Sau khoảng thời gian này xem như đã trễ, mọi cách cứu chữa gần như vô phương. Nếu có cứu được cũng để lại di chứng nặng nề, bệnh nhi có thể phải sống thực vật.
Bác sĩ Mạnh khuyến cáo, khi gặp phải tình huống trên, các bậc phụ huynh nên dùng tay ấn lên lồng ngực, hoặc vùng thượng vị, làm tăng áp lực trong lồng ngực để tống dị vật ra ngoài.
Nếu làm cách đó không hiệu quả, trẻ vẫn tím tái, cha mẹ nên hà hơi thổi ngạt để nhanh chóng cung cấp oxy cho não, phổi đồng thời gọi cấp cứu. Trên đường đến bệnh viện, người thân phải liên tục hồi sức tránh để trẻ ngưng tim, ngưng thở.