Da nhạy cảm là gì?
Da nhạy cảm cần có kế hoạch chăm sóc để đảm bảo an toàn.
Trong tất cả các loại da thì da nhạy cảm là một trong những tình trạng rất khó để định nghĩa, nhận biết cũng như chăm sóc. Hiểu một cách đơn giản thì da nhạy cảm là làn da dễ bị kích thích hoặc phản ứng nhiều hơn trước các nhân tố tác động (như không khí khô, tia UV từ mặt trời, căng thẳng, ô nhiễm...). Một số dấu hiệu thường gặp ở da nhạy cảm là khô da, bong tróc, căng rát, ngứa, dễ nổi mẩn đỏ, thường bị phản ứng với một thành phần cụ thể nào đó hoặc các tác nhân từ môi trường.
Da nhạy cảm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, song nguyên nhân chính có thể kể tới là sự suy giảm chức năng bảo vệ của da.
Da của chúng ta có một lớp màng hydrolipid/ lớp màng ẩm tự nhiên (bao bọc biểu bì của da) đóng vai trò duy trì sự khỏe mạnh của làn da bằng cách giữ nước và bảo vệ da khỏi sự xâm nhập cũng như tấn công của các yếu tố gây hại từ bên ngoài. Ở những người có làn da nhạy cảm, lớp màng này mỏng, yếu và dễ bị tổn thương hơn khiến độ ẩm bị thoát ra ngoài đồng thời làm cho các tác nhân gây hại dễ dàng xâm nhập. Đó là lý do tại sao da khô và nhạy cảm thường gắn liền với nhau. Ngoài ra, da nhạy cảm có lớp màng hydrolipid mỏng cũng sẽ hấp thụ các sản phẩm sâu hơn từ đó khiến da bị kích thích nhiều hơn với các thành phần chăm sóc da.
Bên cạnh sự suy giảm của hàng rào bảo vệ da, các nhân tố tác động từ bên ngoài môi trường lẫn bên trong cơ thể cũng là một trong những nguyên khiến da nhạy cảm.
Các tác nhân từ bên trong: Tuổi tác cũng là một trong những nguyên nhân có thể khiến da mặt trở nên nhạy cảm hơn. Ở trẻ nhỏ, hàng rào chức năng của da còn hạn chế, do đó việc nhạy cảm với vi khuẩn, ánh nắng mặt trời hay các chất hóa học là điều dễ hiểu. Mặt khác, khi có tuổi hơn và làn da bắt đầu lão hóa, hàng rào bảo vệ da cũng sẽ dần suy yếu khiến da nhạy cảm hơn. Bên cạnh đó, sự thay đổi hormone (dậy thì, chu kì kinh nguyệt, mang thai…), tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc da đang trong tình trạng khô, mụn… cũng sẽ dễ khiến da bạn bị kích thích và trở nên nhạy cảm hơn.
Các tác nhân từ bên ngoài: Thời tiết khô, lạnh, nhiệt độ cao, tia UV, ô nhiễm môi trường… hay một số thành phần mỹ phẩm như cồn, hương liệu, chất tạo màu, chất hoạt tính bề mặt (thường có trong các sản phẩm làm sạch da) cũng có thể là nguyên nhân gây kích ứng và khiến da nhạy cảm.
Chăm sóc làn da nhạy cảm thế nào?
Rửa mặt
Rửa mặt là một trong những cách chăm sóc da nhạy cảm hiệu quả và an toàn. Bạn nên sử dụng các sản phẩm làm sạch cho làn da nhạy cảm không chứa mùi thơm và nhiều chất tẩy rửa.Các sản phẩm rửa mặt tạo bọt thường có Sodium Lauryl Sulfate và các thành phần có độ kích ứng mạnh. Vậy nên bạn hãy dùng các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ không tạo bọt dành cho da nhạy cảm hoặc dung dịch rửa mặt không gây kích ứng da.
Cung cấp độ ẩm
Làn da nhạy cảm rất cần bổ sung độ ẩm để cho da không bị khô và bong tróc, nhất là vào mùa đông.
Do vậy, bạn nên lựa chọn các sản phẩm chăm sóc dành riêng cho da nhạy cảm và tránh các loại mỹ phẩm có chứa:
Chất kháng khuẩn hoặc chất khử mùi.
Chất cồn.
Retinoids hoặc axit alpha-hydroxy.
Vào mùa đông, bạn hãy áp dụng những cách ngăn ngừa da khô, bong tróc, ngứa và nứt, bao gồm:
Không để nhiệt độ trong nhà quá cao.
Tắm bằng nước ấm nhưng không được quá nóng.
Sử dụng kem dưỡng ẩm khi da vẫn còn ướt để giảm tình trạng khô da sau khi tắm.
Sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa petrolatum, dầu khoáng, axit linoleic, ceramides, dimethicone hoặc glycerin.
Trang điểm
Nếu thường xuyên phải trang điểm thì bạn hãy lưu ý những điểm sau nhé:
Sử dụng phấn phủ dạng bột có ít chất bảo quản và không gây kích ứng da.
Không dùng loại mỹ phẩm chống thấm nước vì bạn cần tẩy trang bằng loại có chất tẩy rửa mạnh.
Sử dụng chì kẻ mắt và mascara màu đen vì chúng ít gây dị ứng nhất.
Vứt bỏ mỹ phẩm cũ vì nó có thể làm hỏng da.
Đừng quên chống nắng cho da
Bạn hãy luôn duy trì việc sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30 trước khi ra ngoài khoảng 20 phút vào bất kể mùa nào trong năm.
Bên cạnh đó, bạn cần tránh đi ra ngoài nắng trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì đây là thời gian các tia UV gây tổn thương da hoạt động mạnh nhất.
Nếu phải đi ra ngoài, bạn hãy đội mũ rộng vành và đeo kính mát, mặc quần áo dài che kín tay và chân. Đừng quên bôi lại kem chống nắng mỗi 80 phút sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi nhiều.
Vào mùa hè, dù đã thoa kem chống nắng nhưng bạn cũng không nên nằm phơi nắng trực tiếp dưới mặt trời vì da có thể bị cháy nắng và tổn thương.