Sâu răng
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Đây là một trong những bệnh răng miệng thường gặp nhất ở trẻ. Nguyên nhân do bé chưa thực hiện vệ sinh răng miệng sạch sẽ, kèm theo thói quen xấu như ăn nhiều đồ ngọt, thức ăn chứa acid...
Sâu răng thường khiến trẻ đau nhức, ê buốt, trên răng có đốm đen li ti. Điều này vừa gây khó chịu, giảm khả năng ăn uống, vừa ảnh hưởng thẩm mỹ hàm răng.
Viêm nướu
Viêm nướu là tình trạng nướu răng viêm đỏ, sưng lên, dễ chảy máu khi chạm vào. Tình trạng này có thể khu trú một vài răng hay xảy ra ở cả hai hàm răng. Nguyên nhân chủ yếu là do vệ sinh răng kém. Mảng bám thức ăn nếu không được làm sạch, gây lên men tạo acid, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi nhiều trong môi trường miệng, làm nướu viêm đỏ.
Răng lệch lạc, hô, móm
Răng hô, móm là tình trạng sai lệch khớp cắn khá phổ biến khiến cho răng hàm dưới mọc chìa ra phía trước quá mức so với răng hàm trên (móm) hoặc ngược lại (hô).
Hàm răng lệch lạc khi những chiếc răng nằm trên 1 hay 2 cung hàm có quá ít vị trí để sắp xếp đều đặn theo khớp cắn chuẩn. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của răng lệch lạc đó là có 1 hoặc nhiều răng mọc lệch ra ngoài, mọc nghiêng hoặc xoay vào trong hay có thể mọc ngầm trong xương hàm.
Nguyên nhân khiến cho răng mọc lệch lạc, hô, móm có thể là do răng sữa rụng sớm, yếu tố di truyền. Ngoài ra còn do một số thói quen xấu như mút tay, đẩy lưỡi, nghiến răng…
Một số biện pháp phòng ngừa các bệnh răng miệng
Theo bác sĩ Trần Thị Bảo Thu Phó trưởng Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng cách không những giúp cho trẻ tránh được các bệnh thường gặp mà khi lớn lên trẻ sẽ có hàm răng đẹp. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần thực hiện một số biện pháp sau:
Thường xuyên vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách cho trẻ đánh răng, súc miệng với nước muối. Với những trẻ nhỏ chưa mọc răng cần chà lưỡi, nướu cho trẻ.
Cho trẻ đánh răng từ 2- 3 lần/ngày. Cần chọn bàn chải mềm, 3 tháng thay bàn chải 1 lần, hướng dẫn trẻ chải hết tất cả các mặt răng (mặt trong, mặt ngoài, răng trên, răng dưới).
Cần tập đánh răng cho trẻ từ khi có răng, nên dùng kem đánh răng cho trẻ em có flour.
Hạn chế cho trẻ ăn uống đồ ngọt.
Không cho trẻ ngậm bình sữa.
Khám bác sĩ định kỳ 6 tháng/lần nhằm phát hiện sớm các bệnh răng miệng để có cách điều trị kịp thời.