Thống kê từ Bộ Y tế nêu rõ trong tháng 7 cả nước ghi nhận 5.561 ca sốt xuất huyết, 2 người tử vong. Từ đầu năm đến nay, gần 45.000 người mắc sốt xuất huyết tại 46 tỉnh, thành, 14 trường hợp tử vong, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ hơn 17.000 ca.
Bệnh sốt xuất huyết có thời điểm bùng phát mạnh ở TP.HCM. |
Đánh giá về tình trạng 4 tỉnh Tây Nguyên gồm Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum có biểu hiện dịch gia tăng mạnh, đại diện Bộ Y tế cho biết, người dân tại các địa phương trên chủ yếu là dân tộc thiểu số, dân trí còn thấp, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Rất nhiều hộ gia đình còn sử dụng dụng cụ/bể chứa nước sinh hoạt không đậy nắp, nhiều lốp (vỏ) xe công nông cũ không còn sử dụng để ngoài vườn, chai lọ, chum vại và các vật linh tinh chứa nước đọng không được xử lý. Đây là những nơi muỗi vào đẻ trứng, nhiều loăng quăng, bọ gậy phát triển.Theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nguyên nhân gia tăng bệnh là do những nơi này đang vào mùa mưa. Cùng kỳ năm trước dịch cũng bắt đầu gia tăng, đạt đến đỉnh vào những tháng cuối năm sau đó giảm dần và đuôi dịch tiếp tục kéo dài sang những tháng đầu năm nay.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2016 tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ La tinh.
Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đến ngày 11/6, Philippines đã ghi nhận hơn 52.000 ca mắc, 207 người tử vong, số mắc tăng 41% so với cùng kỳ 2015. Malaysia cũng ghi nhận gần 60.000 ca bệnh, 134 người tử vong.