Chương trình do Sở Văn hóa – Thể thao TP Hồ Chí Minh cấp phép, Bình Minh art gallery và họa sĩ Nguyễn Đình Thuần phối hợp tổ chức. Theo đó, có tổng 28 bức tranh sơn dầu khổ trung bình và nhỏ sẽ được trưng bày trong triển lãm kỷ niệm 50 năm hành trình hội họa của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần. Đây là những bức tranh được chọn lọc trong những tác phẩm họa sĩ Nguyễn Đình Thuần đã sáng tác ở Mỹ trong nhiều năm qua, đánh giá sự “trở về” ngoạn mục của ông khi bước vào tuổi 75.
Cụ thể, triển lãm sẽ chính thức diễn ra từ ngày 23/7 đến hết ngày 30/7 tại Bình Minh art gallery (số 29A Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP Hồ Chí Minh).
“Hy vọng thông qua triển lãm này, công chúng sẽ có thêm một góc nhìn mới về mỹ thuật và học thuật đối với họa sĩ Nguyễn Đình Thuần” – đại diện Ban tổ chức chia sẻ.
Với 28 tranh trừu tượng, họa sĩNguyễn Đình Thuần sẽ khắc họa được một cuộc chơi lịch lãm với màu sắc kì thú tại triển lãm lần này
Tranh của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần hầu hết đều là trừu tượng, được ca ngợi là thế giới của bình an và tình yêu.
Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, sinh năm 1948, tại Huế. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông đi làm lao động tự do tại quê nhà một thời gian. Do Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế gần nhà nên ông quyết định đăng ký dự thi và đã trúng tuyển vào ngành Mỹ thuật cùng 14 thí sinh khác trong tổng số 150 thí sinh dự thi năm ấy. Năm 1974, ông nhận bằng tốt nghiệp rồi vào Sài Gòn sinh sống và hoạt động Mỹ thuật, là Hội viên Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1996 ông qua Mỹ theo lời mời Triển lãm cá nhân của Trung tâm Văn hoá Đông Hawaii - USA, sau đó ông đã định cư và tiếp tục hoạt động Mỹ thuật cho đến nay, là thành viên Hội đồng Văn hóa Đông Hawaii - USA.
Khi mới vào Trường theo học Mỹ thuật, ông học chuyên ngành lụa, sau đó chuyển hẳn qua học sơn dầu và trung thành với chất liệu này.
Tác phẩm "Bình Minh", sơn dầu, 130X130cm, 2001 của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần
Những năm đầu tiên của sự nghiệp hội hoạ, ông theo đuổi phong cách ấn tượng, rồi thử nghiệm thể loại siêu thực trong khoảng 10 năm, còn sau đó thì gần như trung thành với lối vẽ trừu tượng. Ông quan niệm: vẽ Trừu tượng, nó là một thứ giải toả tâm hồn mình, sau khi nhận chân thẩm mỹ và đi xuyên qua các thang bậc của hội hoạ hình thể, bố cục, màu sắc; cái "trừu tượng" là bậc trên của "không hình dung" nữa, chứ không phải là trừu tượng không; cái "không hình dung" nó đi thẳng vào tâm hồn người thưởng ngoạn; họ có thể không nhìn thấy theo cái ý niệm "nhìn là phải thấy một cái gì đó".
Trong sự nghiệp hội hoạ của mình, ông đã sớm thành công với việc tham gia nhiều cuộc triển lãm nhóm và triển lãm cá nhân ở Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp, Singapore; Năm 1973, khi đang còn là sinh viên trong Trường Mỹ thuật, ông đã có tranh tham gia tại cuộc Triển lãm Hội Việt - Mỹ Đà Nẵng.
Tranh của ông đã được lưu giữ trong các bộ sưu tập tư nhân ở nhiều nước. Ông đã có 5 triển lãm cá nhân tại Mỹ, nhưng đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tại Việt Nam.