Theo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, từ ngày tựu trường cho đến ngày khai giảng (5/9), hiệu trưởng xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động đầu năm học, nắm tình hình học sinh đầu năm
Thực hiện chương trình tuần 1 bắt đầu từ ngày 9/9 đến ngày 13/9, sau đó lần lượt thực hiện các tuần theo quy định. Bắt đầu học kỳ II từ tuần 19 (ngày 13/1/2025). Các đơn vị chủ động sắp xếp chương trình, kế hoạch dạy học và thời khóa biểu đảm bảo cho chương trình tích hợp được thực hiện vào tuần 1 và các tuần kế tiếp theo kế hoạch thời gian năm học của nhà trường.
Tổ chức thực hiện các hoạt động về giáo dục STEM theo hướng dẫn về tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục tiểu học. Tổ chức cho giáo viên dạy nội dung bài học STEM đã được Bộ GD&ĐT xây dựng tài liệu tập huấn; sử dụng tài liệu, học liệu, xuất bản phẩm đã được thẩm định, phê duyệt, đánh giá.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số theo hướng dẫn triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số cấp tiểu học phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, trình độ phát triển nhận thức của học sinh tiểu học và điều kiện của nhà trường; bảo đảm mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các môn học/hoạt động giáo dục có liên quan; thúc đẩy tổ chức dạy học tích hợp, giáo dục STEM; không gây áp lực, quá tải cho học sinh và giáo viên.
Rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ để đảm bảo các điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, bảo đảm tất cả học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 được học ngoại ngữ 1, tin học ít nhất phải thực hiện được nội dung theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đảm bảo 100% các trường đủ máy tính cho học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 và các khối lớp khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết quy định về thời gian học tập của học sinh tiểu học, như sau: Hiệu trưởng chủ động sắp xếp kế hoạch nhà trường, xây dựng thời khóa biểu linh hoạt, phù hợp, mỗi ngày thực hiện tối thiểu 7 tiết, khuyến khích thực hiện sáng 4 tiết, chiều 3 tiết.
Bên cạnh 7 tiết trong chương trình giáo dục phổ thông mỗi ngày, nhà trường có thể xây dựng chương trình nhà trường và kế hoạch tổ chức thêm các hoạt động khác tùy theo nhu cầu và năng lực của học sinh và thỏa thuận với cha mẹ học sinh.
Sau giờ học mỗi ngày, nhà trường có thể xây dựng kế hoạch tổ chức các câu lạc bộ sau giờ chính khóa cho học sinh cho đến khi học sinh được đón về. Các kế hoạch này phải được cấp trên có thẩm quyền phê duyệt trước khi tiến hành.
Nhà trường cần bảo đảm khung thời gian mỗi ngày như sau: Đối với các lớp học hai buổi/ngày: Giờ vào học tiết đầu tiên của buổi sáng từ 7 giờ 30 trở đi và không trễ hơn 7 giờ 45 phút.
Giờ vào học tiết đầu tiên của buổi chiều không sớm hơn 13 giờ 30 phút.
Về quy định tập vở của học sinh, các khối thống nhất sử dụng 3 loại vở ô li như sau:
Vở toán: Dùng ghi chép các kiến thức liên quan đến môn toán và làm bài tập luyện tập toán.
Vở tiếng Việt: Dùng ghi chép các kiến thức liên quan đến môn tiếng Việt.
Vở bài học: Dùng ghi các môn còn lại.
Riêng lớp 1 không bắt buộc phải có vở bài học, khuyến khích học sinh lớp 1 sử dụng vở bài học từ giữa học kỳ II của năm học.
Lưu ý, học sinh có thể viết phiếu đọc sách hoặc nhật ký đọc sách vào vở tiếng Việt. Đối với lớp 4 và lớp 5, khuyến khích học sinh nghe – ghi một số nội dung quan trọng trong bài giảng của giáo viên vào vở tiếng Việt. Trong trường hợp học sinh đã ghi chép và làm bài tập trên những loại vở khác thì không bắt buộc có thêm vở ô li và ngược lại.