Ngày 19/6, nam diễn viên Hàn Thiện Tục qua đời ở tuổi 79 sau thời gian mang bệnh. Trong Tây du ký bản 1986, ông đảm nhận vai Kim Giác đại vương, Hắc hùng tinh. Trước ông, nhiều nghệ sĩ gắn liền tên tuổi với Tây du ký 1986 cũng đã qua đời.
Hôm 18/2, lễ tang nhạc sĩ Diêm Túc - tác giả ca khúc Dám hỏi đường ở nơi nào trong phim diễn ra tại Bắc Kinh. Ông qua đời vào ngày 12/2, hưởng thọ 86 tuổi. Diêm Túc là nhà nghệ thuật có tầm ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật đương đại Trung Quốc với hơn 1.000 tác phẩm âm nhạc.
Nam diễn viên Thiết Ngưu, người đóng vai Phật Di Lặc trong Tây du ký phiên bản năm 1986 qua đời lúc 14h50 ngày 5/3/2015, hưởng thọ 93 tuổi. Thiết Ngưu tên thật là Dương Tích Nghiệp, sinh năm 1922 ở Sơn Đông (Trung Quốc). Thiết Ngưu từng ốm nặng tưởng qua đời vào năm 2014. Gia đình cho biết, việc ông sống đến giữa năm 2015 đã khiến họ cảm thấy biết ơn.
Lê Sơn Lão mẫu do Lý Ân Kỳ đảm nhận. Bà sinh năm 1917 và qua đời ngày 24/4/2013, hưởng thọ 96 tuổi. Khi đóng Tây du ký, bà đã ở tuổi xưa nay hiếm. Lúc sinh thời khi nói về thời làm phim bà cười: "Tôi hạnh phúc khi được khán giả khen trẻ đẹp trên phim. Thời đó chúng tôi làm phim vất vả lắm, nhưng lại vui vẻ. Đoàn phim như người một nhà. Tôi mong mỗi năm đều có dịp gặp lại bạn bè, đồng nghiệp cũ".
Quốc vương nước Ô Kê do Lôi Minh đóng. Nghệ sĩ sinh năm 1939 và tham gia cả hai phiên bản của Tây du ký. Đây cũng là vai diễn để đời trong sự nghiệp của ông. Ngày 23/4/2010, Lôi Minh qua đời vì bệnh nặng ở tuổi 71.
Diêm Hoài Lễ sinh năm 1936 tại Sơn Đông, nổi tiếng với vai Sa Tăng trong Tây du kýbản 1986. Ngoài Tây du ký, ông từng tham gia các phim Tam quốc diễn nghĩa (vai Trịnh Phổ), Ỷ thiên đồ long ký (vai Tạ Tốn), Đông Chu Liệt Quốc (vai Tể Công). Năm 1993, Diêm Hoài Lễ nhập viện do mũi mất khứu giác. Các bác sĩ cho biết vì ảnh hưởng của việc từng sử dụng thuốc lá, cộng với quá trình làm phim mệt mỏi, ông mắc bệnh xơ phổi. Ngày 12/4/2009, Diêm Hoài Lễ qua đời tại bệnh viện, hưởng thọ 73 tuổi. 7 năm sau ngày đồng nghiệp qua đời, Lục Tiểu Linh Đồng tưởng nhớ ông bằng cách không tổ chức sinh nhật tuổi mới.
Nhân vật Ngưu Ma Vương do nghệ sĩ nổi tiếng Vương Phu Đường - diễn viên của Kịch viện Nghệ thuật Thanh niên Trung Quốc đảm nhiệm. Ông là người vùng Nam Dương, tỉnh Hà Nam - một người vừa nhiệt tình lại gần gũi, dễ tính nên được nhiều người trong đoàn hết sức yêu mến và nể trọng. Vương Phu Đường mất năm 2005, hưởng thọ 73 tuổi.
Nam diễn viên gạo cội Tào Đạc qua đời ở tuổi 76. Ông được nhớ đến với vai Hoàng Mi lão quái. Sinh thời, ông từng kể, khi ra phố các em nhỏ rất sợ sệt khi nhìn thấy ông vì tưởng rằng ông là yêu quái.
Lý Hồng Xương (vai Ngô công tinh) qua đời năm 2003 tại quê nhà. Khi đó, ông đã ở tuổi 73.
Vai diễn Vương hậu do Triệu Lệ Dung đóng qua đời năm 2000 khi bà ở tuổi 72. Sau Tây du ký, bà chủ yếu hoạt động trong đoàn kịch Trung Quốc cho đến khi nghỉ hưu.
9 năm sau thành công của phim, nghệ sĩ Trình Chi - người đóng vai Kim Trì trưởng lão đã qua đời ở tuổi 69. Gia đình chia sẻ, ông luôn cảm thấy may mắn khi được đóng Tây du ký vì tin rằng khán giả sẽ mãi nhớ đến một vai phụ như ông.
Bà La Sát - Vương Phụng Hà sinh tháng 5/1955 tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Khi 31 tuổi, Vương Phụng Hà gây tiếng vang trên màn ảnh nhỏ nhờ vai Thiết Phiến công chúa - Bà La Sát trong Tây du ký 1986. Cho đến giờ, nhân vật Bà La Sát của Vương Phụng Hà vẫn được coi là đẹp và thành công nhất. 3 năm sau phim Tây du ký, Vương Phụng Hà phát hiện mắc bệnh ung thư vú và phải xạ trị một thời gian dài. Việc điều trị chỉ giúp Phụng Hà sống thêm vài năm. Ngày 5/11/1993, Bà La Sát đã qua đời ở tuổi 38. Khi nghe tin Bà La Sát qua đời, Lục Tiểu Linh Đồng từng cảm thán: "Tôi đã tưởng rằng cô ấy có thể vượt qua căn bệnh quái ác. Lúc nào cô ấy cũng vui vẻ và lạc quan".