Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo... Dự thảo được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Nhà giáo hiện có bố cục gồm 9 chương, 46 điều, giảm 4 điều so với trước.
Những nội dung mới, cụ thể về chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp, ưu đãi đối với nhà giáo tại Dự thảo Luật Nhà giáo đã nhận được sự quan tâm, đồng tình rất lớn của cử tri và dư luận cả nước; nổi bật là: lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy tính chất công việc hoặc vùng, theo quy định của pháp luật. Quy định về lương nhà giáo tại Dự thảo Luật đươc coi là giải pháp đột phá để thu hút người giỏi vào ngành giáo dục, gắn bó lâu dài với sự nghiệp trồng người.
Tuy nhiên, đại biểu và dư luận cho rằng, song song với việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp thì chất lượng của nhà giáo phải được nâng lên bởi đội ngũ nhà giáo có vị trí vô cùng quan trọng đối với nâng cao chất lượng giáo dục cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Vai trò của giáo dục và nhà giáo được nhắc đến nhiều trong các văn bản, chính sách, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VIII nêu quan điểm: "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu", “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh”.
Từ năm 2004, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã xác định chủ trương ban hành Luật Giáo viên. Mới đây, trong Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đặt ra yêu cầu “cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo” và "Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Như vậy, sau nhiều kỳ vọng và mong muốn, Dự thảo Luật Nhà giáo sắp được xem xét, thông qua. Việc ban hành Luật Nhà giáo là cần thiết nhằm hệ thống hóa các quy định hiện hành, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tạo khuôn khổ, môi trường pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Với hệ thống chính sách này, Luật Nhà giáo không chỉ hướng tới mục tiêu tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để phát triển đội ngũ nhà giáo mà còn tôn vinh nghề dạy học cao quý.
Đi đôi với việc thực hiện chính sách đặc thù về tiền lương, chế độ ưu đãi đối với nhà giáo thì trong quá trình thi hành luật cần có các quy định để nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên; từng bước xây dựng đội ngũ thực sự giỏi về chuyên môn, đáp ứng toàn diện các quy định về đạo đức nghề nghiệp.
Tới đây, khi Dự thảo Luật Nhà giáo được chính thức thông qua, dư luận tin tưởng rằng, sức hút của ngành sư phạm sẽ tiếp tục tăng lên và nhiều học sinh giỏi sẽ chọn học ngành sư phạm. Những sinh viên ưu tú, có khát vọng cống hiến, tình yêu nghề, được đào tạo bài bản và bồi đắp cả về tri thức lẫn đạo đức sẽ trở thành những nhà giáo giỏi, tận tâm, trách nhiệm; góp phần đào tạo những thế hệ công dân toàn cầu, chủ nhân tương lai của đất nước.