Cách đây ít ngày, Sina và một số tờ báo lớn trích đăng thông tin từ biên kịch Uông Khải Nam. Theo tiết lộ của Khải Nam, một nam diễn viên trẻ nổi tiếng đã coi thường quá trình làm phim. Anh không có mặt trên phim trường, buộc đoàn phim phải sử dụng "mặt nạ da người" đóng thế.
“Đoàn phim phải đặt mua 2 mẫu, trừ những cảnh quay quá cận mặt, toàn bộ cảnh phim sau đó đều do đóng thế”, người này cho biết.
Diễn viên dùng mặt nạ da người cho người đóng thế để không đến phim trường. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Diễn viên Tống Giai sau đó chuyển tiếp đoạn chia sẻ trên cùng bình luận: “Thế có phải diễn viên thay thế còn đóng hay hơn tài tử hạng A rồi”.
Ngay lập tức trên mạng xôn xao hai cái tên thuộc diện nghi vấn - đó là Dương Dương và Lý Dịch Phong. Dương Dương sau phim Yêu em từ cái nhìn đầu tiên ngày càng nổi tiếng. Có tin, anh nhận nhiều hợp đồng cùng lúc nên thường xuyên phải di chuyển giữa các phim trường. Tương tự, Lý Dịch Phong nhiều lần bị bắt gặp có đóng thế khi quay Ma tước.
Bên cạnh thắc mắc về danh tính diễn viên, khán giả còn đặt câu hỏi liên quan “mặt nạ da người”. Họ bất ngờ khi mặt na da người lại được sử dụng rộng rãi trên phim trường như vậy.
"Chúng tôi đã bị lừa gạt nếu đó là sự thật", một ý kiến bất bình.
Công nghệ tạo mặt giả bằng thạch cao thường được sử dụng như một kỹ nghệ hóa trang. Ảnh: QQ. |
Đạo diễn Cúc Giác Lượng và chuyên gia hóa trang A Phương trả lời phỏng vấn QQ cho hay thừa nhận lạm dụng thế thân là sự thật đáng buồn tại Trung Quốc.
“Có rất nhiều phim điện ảnh, truyền hình hiện nay sử dụng mặt nạ da người. Đó không phải chuyện mới mẻ. Giống như gameshow của Tây Ban Nha, nghệ sĩ phải đeo mặt nạn bắt chước nghệ sĩ khác”, A Phương chia sẻ.
Chuyên gia hóa trang cho biết quá trình tạo dựng mặt nạ da người trên phim trường khá phức tạp. Trong đó, diễn viên phải chịu hàng giờ dán thạch cao trên mặt.
“Một số trường hợp diễn viên thay thế bị bỏng”, A Phương nói thêm.
Mặt nạ da người mua sẵn có giá rất cao. Trong ảnh là mặt nạ mô phỏng Châu Kiệt Luân và Lưu Đức Hoa. |
Đạo diễn Cúc Giác Lượng cho biết thường đoàn phim sử dụng hóa trang bằng thạch cao, tỉ mỉ từng chi tiết. Với trường hợp sử dụng mặt nạ da người mua sẵn thay thế diễn xuất thì hiếm gặp hơn.
“Sẽ áp dụng cho những cảnh quay sử dụng kỹ xảo, góc máy xa. Nói thật, đường cùng mới phải làm cách này vì chi phí rất lớn. Không đủ kinh phí, không đoàn phim nào dám thử. Mỗi cái mặt nạ giá dao động 50.000 NDT, 2 cái đã 100.000 NDT (tương đương 165 triệu đồng đến 330 triệu đồng)”, đạo diễn Thủy hử nói.
Lý Dịch Phong và Dương Dương là hai nghệ sĩ hạng A bị nghi vấn. |
Giải thích cho thực trạng sử dụng đóng thế tràn lan là lịch quay phim gấp gáp. Diễn viên hạng A thường kín lịch nên mời thế thân được cho tiết kiệm chi phí đoàn phim, giảm tải công việc cho ngôi sao. Nhưng cùng với đó là chất lượng phim giảm sút.
Biên kịch nổi tiếng phim Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam - ông Hải Lâm - tức giận vì tình trạng quay phim hiện nay. "Không tự mình diễn xuất, những người đó không được coi là diễn viên. Đóng thế những cảnh đơn thuần là họ tự hủy đi tư cách diễn viên", ông nói.