Hàng trăm phụ huynh gửi đơn phản ứng EMG
Ngày 14/9, hàng trăm vị là cha mẹ của các em học sinh đang học tại các trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã ký đơn tập thể gửi đến các cơ quan báo chí để phản ánh việc kiến nghị “Tạm dừng học online môn tiếng Anh tích hợp và các vấn đề liên quan tới chương trình Anh văn tích hợp do Công ty Cổ phần Quản lý Giáo dục và Đầu tư EMG thực hiện”.
Đơn kiến nghị của cha mẹ học sinh, nêu: “Chương trình tiếng Anh tích hợp được triển khai từ năm 2014, đến nay trên cơ sở cam kết tự nguyện tham gia của phụ huynh với hình thức học trực tiếp 100% giáo viên bản ngữ (8 tiết/tuần với một giáo viên bản ngữ và một trợ giảng người Việt). Tuy nhiên, do thời gian vừa qua dịch bệnh Covid-19 diễn ra nên EMG sẽ tổ chức học trực tuyến, vì vậy việc cam kết này hết hiệu lực do hình thức đào tạo đã thay đổi.
Công văn của EMG gửi Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng
Ngày 6/9 và 7/9, EMG có gửi công văn cho hiệu trưởng các trường cấp 1, 2 và 3 với đề nghị “Rà soát lại thông tin các học sinh có nguyện vọng học tiếng Anh tích hợp”. Hiện nay, một số trường có tiến hành khảo sát, một số trường không tiến hành rà soát, nhưng phụ huynh chúng tôi có chung nguyện vọng là tạm dừng học chương trình tích hợp. Vì học tiếng Anh online sẽ không có hiệu quả đối với học sinh tiểu học, đặc biệt là với các cháu ở khối lớp 1, 2, tiếng Việt còn chưa vững, không thể tự sử dụng máy tính. Với một khối lượng chương trình quá nặng như thế, với thể chất và tâm trí còn non nớt thì học trực tiếp cũng khó hoàn thành chương trình. Còn đối với việc học trực tuyến, chắc chắn không thể hoàn thành được chương trình”.
Trao đổi với PV báo Kinh tế và Đô thị, chị L.H.T.V có con học lớp 2 tại một ngôi trường ở quận 8, cho rằng tại khoản 2, điều 3 Luật Giáo dục năm 2019, quy định: “Hoạt động giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành”, và tại điều 1 của quyết định 5695/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh về “Phê duyệt đề án dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”, thì chương trình tích hợp chỉ được triển khai trên cơ sở “đồng thuận, tự nguyện của phụ huynh học sinh”.
Còn các phụ huynh của hơn 800 em học sinh phản ứng với thông báo từ EMG về việc đóng học phí đợt 1 (một năm học thu 3 đợt) với mức 8,1 triệu đồng cho 3 tháng (trước kia là 10,8 triệu đồng). "Khi chúng tôi phản ứng, đại diện EMG trả lời đã điều chỉnh giảm 25%, nhưng thực chất đây là việc đánh tráo khái niệm chứ không giảm. Vì theo chương trình chuẩn phải 8 tiết/tuần. Nay EMG giảm giờ dạy của giáo viên bản ngữ xuống còn 6 tiết/tuần" - phụ huynh Lê Thu Hương cho con học khối 5 trường Nguyễn Thị Định cho biết.
Các phụ huynh học sinh cũng đưa ra ví dụ: Trước kia gọi xe ôm công nghệ Grab chở quãng đường dài 8km, họ chỉ trả 10.000 đồng, nhưng nay với quãng đường 6km vẫn phải trả 8.000 đồng, điều này có nghĩa không có việc phải giảm 25% như EMG trả lời.
Học phí cao, giáo viên "lôm côm" theo thời vụ
Nhiều phụ huynh học sinh khi được hỏi, cho rằng trong thời buổi khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có nhiều người mất việc, nhiều người phải tạm ngừng hợp đồng lao động và cho đến nay vẫn còn nhiều người chưa nhận được gói hỗ trợ như Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 của Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Trong khi tại thành phố đã miễn học phí cho các cháu học sinh để cùng vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thì EMG vẫn thu phí 8,1 triệu đồng cho đợt 1 là vô cảm.
Bảng so sách mức thu học phí của các trường, thể hiện EMG thu học phí quá cao lên đến 382.500 đồng/học sinh/giờ học quy về lớp học 10 học sinh. Trong khi Ila chỉ có từ 145.588 đồng đến 218.382 đồng/học sinh/giờ học
Ông Tr.Tr.T, con đang học lớp 7 tại một trường ở quận Bình Thạnh, bức xúc nói: “Nhiều năm qua, mỗi năm trung bình có 6.000 học sinh theo học, thì EMG độc quyền cung cấp dịch vụ dạy tiếng Anh tích hợp ở các trường trên toàn thành phố để thu về lợi nhuận khổng lồ, trong khi được sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường do Nhà nước và cha mẹ học sinh đầu tư, đóng góp! Trong trường hợp này, EMG đã vi phạm khoản 2 điều 21 của Luật Giáo dục: Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích lợi nhuận”.
Còn theo ông Đ.T.H có con học lớp 4 tại một trường ở quận 6, nói: “Qua tìm hiểu chúng tôi phát hiện EMG có vấn đề. Đó là đội ngũ giáo viên cơ hữu người bản địa làm theo thời vụ. Khi chúng tôi đề nghị EMG trao đổi thông qua chat zoom hoặc google meet thì họ không quan tâm mà cứ gửi công văn tới từng trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.
Từ những bức xúc nêu trên, hơn 800 phụ huynh của các cháu học sinh đưa ra hàng loạt kiến nghị. Cụ thể, tạm dừng học online môn tiếng Anh tích hợp cho đến khi triển khai học trực tiếp; Nếu không thể tạm dừng học online, cần giảm 50% học phí để phù hợp giữa chất lượng dịch vụ, phí dịch vụ, và xây dựng phương án giảm tải chương trình cho học sinh; Cần tổ chức buổi đối thoại với khoảng 20 đại diện cha mẹ học sinh thông qua chat zoom hoặc google meet; Cho các tổ chức khác vào cung cấp dịch vụ giảng dạy, không để EMG độc quyền cung cấp dịch vụ; Công bố thông tin của giáo viên tham gia giảng dạy, như: Quốc tịch, trình độ, kinh nghiệm trên cổng thông tin của EMG và của trường giáo viên đến dạy để cho phụ huynh biết; Nếu cần đưa đơn vị độc lập kiểm định chất lượng giảng dạy của EMG.
Trả lời báo chí, đại diện EMG cho rằng họ căn cứ vào hướng dẫn của cơ quan chức năng, mới đây là công văn 2462/SGDĐT-KHTC của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh về việc tiếp tục hướng dẫn thu, sử dụng các khoản thu khác trong năm học 2021-2022. Theo đó EMG điều chỉnh phân bố chương trình cho phù hợp với điều kiện thực tế. Trong 8 tiết học/tuần, học sinh từ lớp 1 - 9 sẽ học 6 tiết với giáo viên nước ngoài, 2 tiết với giáo viên người Việt. Như vậy, đợt 1 thời lượng học của bậc THCS và TH là 93 tiết học (tính từ ngày học sinh học chính thức). Chính vì kiểu trả lời không thuyết phục, khiến hơn 800 phụ huynh học sinh ký đơn kiến nghị phản ứng EMG