Tối 16/4, thông tin Công ty cổ phần thiết kế và đào tạo Phương Nam (đơn vị được cấp phép tổ chức cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018) vừa họp Đại hội đồng cổ đông ngày 9/4 và ra nghị quyết dừng cuộc thi, yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VH, TT&DL) hủy giấy phép được đăng tải trên một số phương tiện truyền thông.
Sát đêm chung kết Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu bị yêu cầu dừng tổ chức. |
Văn bản ký tên bà Phạm Thị Tuyết, người xưng là chủ tịch Hội đồng quản trị công ty kiêm Chủ tịch đại hội đồng cổ đông. Dù vậy, trên các văn bản chính thức, công ty Phương Nam có đại diện pháp luật là ông Lý Minh Tuấn.
Lý do có yêu cầu dừng cuộc thi là những tranh chấp về quyền tổ chức cuộc thi giữa các bên. Trước đêm bán kết, cũng có thông tin bà Phạm Thị Tuyết gửi đơn khiếu nại yêu cầu dừng tổ chức, nhưng bán kết vẫn diễn ra.
Người đứng tên viết đơn là bà Phạm Thị Tuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thiết kế và Đào tạo Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam).
Theo đơn, Công ty Phương Nam đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Truyền thông Đa Phong Cách (gọi tắt là Công ty Đa Phong Cách) để cùng nhau hợp tác, huy động vốn đầu tư và kêu gọi các đơn vị tài trợ nhằm bổ sung kinh phí cho cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu 2018. Công ty Đa Phong Cách chỉ tham gia với tư cách là đơn vị đồng tổ chức cuộc thi với nhiệm vụ chủ yếu là kêu gọi nhà tài trợ và công tác truyền thông. Nhưng ngay sau khi hợp đồng được ký kết, Công ty Đa Phong Cách đã cố tình gạt bỏ sự hiện diện của đơn vị tổ chức là Công ty Phương Nam.
"Đồng thời, công ty này còn cấu kết với ông Lý Minh Tuấn (nguyên giám đốc Công ty Phương Nam) rồi tự ký hợp đồng và thu tiền của các đơn vị tài trợ, tự in và bán vé vào cửa. Trắng trợn hơn, đó là việc Công ty Đa Phong Cách chà đạp lên thỏa thuận hợp tác mà các bên đã ký kết, tự cho mình trở thành đơn vị đứng ra tổ chức cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu 2018 mà không cần sự hiện diện, thông báo, đồng ý hay thống nhất của Công ty Phương Nam”, trích thông tin từ lá đơn đã khiến dư luận xôn xao, bàn tán.
Trước những thông tin này, phía đại diện công ty Phương Nam lên tiếng, khẳng định Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018 là một cuộc thi tầm cỡ quốc gia và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem qua, quyết định thực hiện, còn chuyện nội bộ của công ty không ảnh hưởng đến và cuộc thi sẽ diễn ra đúng kế hoạch.
Đại diện công ty Phương Nam cho biết, bà Phạm Thị Tuyết chỉ có tư cách cổ đông, không phải chủ tịch Hội đồng quản trị cũngnhư chủ thể để đại diện công ty Phương Nam làm công văn gửi đi các nơi.
Chính vì vậy, những lá đơn, công văn Phạm Thị Tuyết ký với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc bất cứ công văn nào khác không được ký bởi đại diện pháp luật của công ty Phương Nam – tức ông Lý Minh Tuấn đều là không đúng chủ thể.
Bên cạnh đó, công ty phương Nam cũng lý giải về việc bán vé đêm bán kết cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018 tại tỉnh Kiên Giang: “Lúc đầu chúng tôi dự định bán vé nhưng sau đó UBND tỉnh Kiên Giang có đề nghị xã hội hóa cuộc thi và tạo điều kiện cho người dân vào xem miễn phí nên chúng tôi sẽ tiến hành thu hồi vé bán và trả lại tiền cho những người đã mua”.
Công ty cũng khẳng định, việc nội bộ giữa các cổ đông trong công ty sẽ tự giải quyết và cam kết không để ảnh hưởng gì đến tính pháp lý của cuộc thi nên Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018 vẫn sẽ được diễn ra theo đúng kế hoạch.
Tuy nhiê, theo nguồn tin trên Zing ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng phụ trách cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL). Ông Tuấn cho biết Thanh tra Bộ đã cử đoàn kiểm tra công tác tổ chức cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu một cách toàn diện và sẽ có kết luận sau.
Đêm chung kết dự kiến diễn ra tại Phú Quốc, Kiên Giang vào tối 21/4 với sự tham gia của 40 thí sinh.