Thời gian qua, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn trường học nhằm giáo dục và bảo vệ trẻ em, học sinh, sinh viên đã được các sở, ban, ngành của thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên vẫn còn diễn biến phức tạp. Hình thức bạo lực học đường ngày càng đa dạng, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp số 505/QCPH-CAHN-SGDĐT ngày 27/2/2017 giữa Công an thành phố với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự an toàn tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của địa phương xây dựng và đồng bộ hóa hệ thống dữ liệu quản lý thông tin người học trên địa bàn để theo dõi, kịp thời tiếp nhận thông tin, phối hợp xử lý và thống kê, báo cáo về tình hình vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực học đường liên quan đến trẻ em, học sinh, sinh viên. Tổ chức kiểm tra, đánh giá và xây dựng cơ chế báo cáo thường xuyên, đột xuất về công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong các nhà trường...
Công an thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục hướng dẫn tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, các hành vi ngược đãi, bạo lực, xâm hại đối với trẻ em, học sinh, sinh viên. Phối hợp với ngành Giáo dục, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và gia đình trong việc điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến học sinh, sinh viên mắc tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm tội đảm bảo an toàn và mang tính giáo dục…
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai các giải pháp phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên…
Sở Văn hóa và Thể thao đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, các tổ chức văn hóa phối hợp với nhà trường; tăng cường vai trò của các thiết chế văn hóa trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội; tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực giáo dục cho các bậc cha mẹ, trẻ em, thanh niên, học sinh, sinh viên ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Sở Y tế tăng cường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác y tế trường học bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm lý, phòng, chống dịch bệnh, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng ngừa ma túy trong trường học; phòng, chống nguy cơ tai nạn thương tích. Tuyên truyền tác hại với sức khỏe của thuốc lá, thuốc lá điện tử trong các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các cơ sở y tế đáp ứng sơ cứu, cấp cứu, khám chữa bệnh đối với trẻ em, học sinh, sinh viên là nạn nhân của bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội.
UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với thực tiễn địa phương. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn trong học sinh, sinh viên.