Đó cũng là trăn trở của những người sáng lập, điều hành Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức (gọi là Trung tâm trẻ tự kỷ Hoàng Đức) tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Từ trăn trở đó, Trung tâm trẻ tự kỷ Hoàng Đức đã thực hiện Quỹ học bổng Đánh thức ước mơ (tháng 4/2020) và nhiều chương trình khác nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng phụ huynh đối diện với những khó khăn trong quá trình can thiệp trẻ.
Luôn đề cao lợi ích của trẻ
Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức có thể xem là đơn vị đi đầu tại Đồng Nai trong hoạt động đánh giá và can thiệp sớm dành cho trẻ rối loạn phát triển. Ngay từ khi thành lập, nhà sáng lập Hoàng Đức đã xác định sẽ đưa Hoàng Đức thành một doanh nghiệp xã hội. Vì vậy, thách thức lớn nhất của đơn vị này là làm sao giải quyết được bài toán về kinh doanh.
“Chúng tôi phải luôn đề cao lợi ích của trẻ, của phụ huynh và cộng đồng. Nhưng chúng tôi cũng phải hài hòa được quyền và lợi ích cho đội ngũ nhân sự của mình. Một giáo viên mầm non đã rất vất vả, huống gì là chuyên viên giáo dục đặc biệt làm việc với trẻ rối loạn phát triển. Do vậy, đồng lương mà họ nhận được phải xứng đáng thì họ mới yên tâm công tác”, Ths Bùi Ngọc Diễm, nhà sáng lập Trung tâm tự kỷ Hoàng Đức chia sẻ.
Phụ huynh mua tranh do trẻ tự kỷ vẽ, tô màu để ủng hộ Quỹ đánh thức ước mơ
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có một chuyên ngành nào mà sinh viên ra trường có thể đảm nhận ngay công việc của chuyên viên giáo dục đặc biệt. Vì vậy, Trung tâm Hoàng Đức thường tuyển sinh viên các chuyên ngành như: tâm lý, công tác xã hội… rồi dành khoảng 3 tháng để đào tạo nhân sự. Sau khi thử việc đạt yêu cầu thì những nhân sự này mới được tuyển dụng chính thức.
Sự phát triển tổ chức giáo dục chuyên biệt đòi hỏi phải có sự đồng hành của phụ huynh. Tuy vậy, nhiều phụ huynh còn chưa thật sự hiểu về rối loạn phát triển ở trẻ, hoặc nhiều phụ huynh có tâm lý không chịu chấp nhận tình trạng bệnh của con. Đây cũng là một khó khăn của những cơ sở giáo dục đặc biệt. Để giải quyết điều này, hằng năm, Trung tâm tự kỷ Hoàng Đức đều để tổ chức nhiều buổi hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh.
Nhiều hoạt động vì cộng đồng
Mức phí hoạt động can thiệp và bán trú cho học sinh tại các cơ sở giáo dục đặc biệt như Trung tâm tự kỷ Hoàng Đức hiện nay tương đương với tháng lương của công nhân lao động. “Đây chắc chắn là gánh nặng kinh tế của nhiều gia đình. Vì thế, chúng tôi có hình thức can thiệp theo giờ với chi phí thấp hơn nhưng không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện về thời gian và lòng kiên trì để đưa đón con”, Ths Bùi Ngọc Diễm cho biết.
Hằng năm, Trung tâm tự kỷ Hoàng Đức đều có chính sách giảm học phí cho các trường hợp khó khăn. Để hỗ trợ cho những trường hợp học sinh khó khăn, đầu năm 2021, Trung tâm đã khởi động thành lập Quỹ học bổng mang tên “Đánh thức ước mơ” nhằm hỗ trợ cho trẻ tự kỷ có hoàn cảnh khó khăn.
Trong suốt thời gian qua, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (phải đóng cửa 10 tháng) nhưng trung tâm này vẫn liên tục có nhiều hoạt động nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ trẻ tự kỷ như: tặng quà cho phụ huynh có con bị tự kỷ thuộc diện khó khăn. Các chuyên viên, thạc sĩ tâm lý của Trung tâm đến hỗ trợ, hướng dẫn cho phụ huynh cách thức chăm sóc trẻ tại nhà, giúp các em cải thiện hơn về tâm lý và phát triển trong thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội.
Định kỳ tổ chức các hội thảo, chương trình tập huấn phụ huynh trực tuyến được. Trung tâm tự kỷ Hoàng Đức còn triển khai dự án đồng hành với phụ huynh có con rối loạn phát triển trên cả nước với 300 phụ huynh được hỗ trợ, đồng hành…
Được biết, trong thời gian tới, ngoài hoạt động đánh giá, can thiệp tại trung tâm, Hoàng Đức sẽ tổ chức các buổi khám sàng lọc miễn phí tại những trường mầm non ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Thực tế, hiện nay có nhiều trẻ bị rối loạn phát triển nhưng chưa được nhận diện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Với những trẻ được xác định là rối loạn phát triển cần phải can thiệp sớm nhưng không có điều kiện để đến trung tâm thì Trung tâm tự kỷ Hoàng Đức sẽ cử đội chuyên gia mỗi tháng đến nhà hướng dẫn một lần hoặc hướng dẫn online.