Vấn đề này khiến dư luận đặt ra lo ngại về việc, liệu chất lượng giáo viên và vị thế của ngành giáo dục có bị giảm sút?
Đề xuất mở rộng nguồn tuyển giáo viên
Điều 71, Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2020 quy định giáo viên tiểu học, THCS phải có trình độ đại học trở lên. Nhiều năm qua, những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo đã được các địa phương xây dựng lộ trình nâng chuẩn để bảo đảm hoàn thành vào năm 2030 theo quy định chung. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương.
Âm nhạc, một trong những môn học theo Chương trình mới được đề xuất tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy. Ảnh: Điệp Quyên
Nhằm khắc phục tình trạng này, Bộ Chính trị đã giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên giai đoạn từ năm 2022 - 2026, trong đó riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên; năm học 2023 - 2024 giao bổ sung 27.860 biên chế giáo viên. Song, tính đến hết học kỳ I năm học 2022 - 2023, các địa phương chỉ tuyển dụng được hơn 55% chỉ tiêu được giao do thiếu nguồn tuyển dụng.
Bộ GD&ĐT cũng dự báo: trong năm học 2024 - 2025, cả nước thiếu khoảng 30.000 giáo viên, trong đó cấp THCS thiếu hơn 18.000, cấp tiểu học thiếu hơn 12.000 giáo viên. Những môn học thiếu giáo viên nhiều nhất là công nghệ (thiếu hơn 11.500 giáo viên); tin học (thiếu hơn 6.600 giáo viên); tiếng Anh (thiếu gần 5.800 giáo viên); nghệ thuật (thiếu hơn 4.300 giáo viên)...
“Việc xây dựng Nghị quyết cho phép những địa phương thiếu giáo viên được tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm: tiếng Anh, tin học, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) là cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương khi triển khai thực hiện quy định về chuẩn trình độ đào tạo tại Luật Giáo dục năm 2019.
Chính sách này cũng góp phần mở rộng nguồn tuyển, khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên, dần bảo đảm số lượng giáo viên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở một số môn học; đồng thời khuyến khích, thu hút những người đã được đào tạo, yêu quý nghề giáo vào ngành” - đại diện Bộ GD&ĐT thông tin.
Đồng thời khẳng định, đề xuất “hạ chuẩn” trình độ được đào tạo giáo viên bảo đảm phù hợp quy định về tinh giản biên chế do việc tuyển dụng sinh viên/giáo viên có trình độ cao đẳng được các địa phương triển khai trong tổng số biên chế được giao theo quy định của T.Ư.
Càng dạy môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 càng cần giáo viên có trình độ chuẩn, được đào tạo bài bản. Không nên vì vấn đề trước mắt là tuyển cho đủ giáo viên mà hạ chuẩn điều kiện đầu vào. Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) Phùng Ngọc Oanh |
Mới đây, Bộ Tư pháp đã công bố Hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo dự thảo Nghị quyết, các địa phương dạng thiếu giáo viên giảng dạy các môn ngoại ngữ, tin học và công nghệ, tin học, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học và THCS được tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để trở thành giáo viên dạy các môn học này.
Còn nhiều lo ngại
TS Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT bày tỏ sự đồng tình với đề xuất thí điểm tuyển dụng giáo viên cao đẳng cho những môn học mới và cho rằng, đây là giải pháp tình thế, nên làm sớm, nếu không học sinh sẽ chịu thiệt thòi.
“Tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng dạy các môn của chương trình mới là vấn đề xuất phát từ thực tiễn thiếu giáo viên ở nhiều địa phương. Chúng ta không sửa Luật Giáo dục, càng không coi đây là “hạ chuẩn” mà chỉ là bước trung chuyển, tạm thời và cần linh hoạt trong thực hiện để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương” - TS Đặng Tự Ân bày tỏ.
Đồng quan điểm cho rằng đây là giải pháp tốt nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên nhưng để yên tâm về chất lượng giảng dạy, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam đề xuất 3 việc cần quan tâm. Đó là, cơ quan quản lý cần tổ chức bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên; nhà trường cần tạo điều kiện để giáo viên được tham gia bồi dưỡng; giáo viên được tuyển dụng cũng cần có ý thức tự học, tự bồi dưỡng.
Ở nhiều ngược lại, nhiều cán bộ quản lý tại các đơn vị, nhà trường thuộc Hà Nội cho rằng, việc tuyển giáo viên trình độ cao đẳng vào giảng dạy, nhất là giảng dạy các môn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là “không nên”, thậm chí là điều “tuyệt đối tránh”.
“Trình độ giáo viên giảng dạy được quy định rõ tại Luật Giáo dục. Nhiều năm qua, dù khó khăn nhưng các trường học ở vùng ngoại thành Hà Nội đã nỗ lực trong tuyên truyền và triệt để trong thực hiện. Bởi thế, nếu thiếu giáo viên mà hạ điều kiện tuyển dụng từ trình độ đại học xuống còn trình độ cao đẳng, theo tôi là điều không nên làm” - nhà giáo Chu Văn Kiểm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Linh, huyện Sóc Sơn cho biết.
Nhiều cán bộ quản lý giáo dục khác thẳng thắn nêu quan điểm: tạm thời tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên không phải là giải pháp căn cơ. Đây là vấn đề vĩ mô và cần đẩy mạnh triển khai nhiều cách thức; trong đó vai trò của hiệu trưởng là đặc biệt quan trọng. Hãy tạo ra một môi trường sư phạm chất lượng, hạnh phúc, giàu tính cạnh tranh, là cơ hội để giáo viên được rèn nghề, nâng cao trình độ và khẳng định mình, khi đó trường học sẽ thu hút được nhiều thầy cô đạt chuẩn dự tuyển.
Vẫn biết, để đo năng lực giáo viên, bằng cấp chỉ là một yếu tố. Tuy nhiên, với giáo dục - một ngành nghề đặc thù gắn với công tác dạy chữ, dạy người, đào tạo thế hệ tương lai của đất nước thì chuẩn phải càng cao và chặt chẽ. Nên chăng, có các giải pháp khác, đơn cử như việc tăng đãi ngộ ở những môn còn thiếu thay vì hạ chuẩn giáo viên để bảo đảm sự thống nhất, công bằng với các địa phương cũng như với các ngành nghề khác.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Tờ trình số 1142/TTr-BGDĐT ngày 28/8/2024 và hồ sơ liên quan kèm theo. Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp. |