Ngày trước đọc "Miếng ngon Hà Nội", "Miếng lạ miền Nam" của Vũ Bằng và "Hà nội 36 phố phường" của Thạch Lam, tui rất thích những bài viết về món ăn địa phương. Sau này, nhiều năm đi giang hồ miền Lục tỉnh, được được ăn nhiều món ngon địa phương, tui có ý định sẽ viết một quyển sách về Món nhậu miền Nam, một là để cảm ơn các các bằng hữu và lão nông tri điền đã thết đãi mình; hai là cũng muốn ghi lại các đặc sản (nhậu) miền sông nước hiền hòa như là một lời ca ngợi quê hương miền Nam như Vũ Bằng và Thạch Lam đã dành cho Hà Nội năm xưa.
Do vậy, khi đi chơi hay công tác vùng nào, tui cũng cố gắng dò hỏi xem ở đây có món nhậu gì, “bắt” thổ địa kiếm về nhậu để có “tư liệu”. Khi nhậu, tui cũng hỏi thêm món này kiếm như thế nào, chế biến ra sao để còn hiểu biết, và đối chiếu với cách chế biến vùng khác…
Trà Vinh là tỉnh tui đi sau cùng trong các tỉnh Miền Nam, dù nó kề ngay Bến Tre quê vợ. Vì ngày trước Trà Vinh là nơi khuất nẻo, cuối đường nên không có dịp đi, hơn nữa đi Trà Vinh theo đường Bến Tre phải đi xuống Mỏ Cày Nam, đường nhỏ hẹp, nhiều ổ gà vịt, rồi leo phà vượt sông Cổ Chiên khá vất vả. Nhưng từ năm 2015 đường đã tốt, cầu Cổ Chiên cũng xong nên từ Bến Tre qua cũng dễ. Năm 2016 lại cơ duyên đi Trà Vinh nhiều lần, và nhờ vậy tui mới biết cua gạch vùng Biển Ba Động Trà Vinh ngon tuyệt !
Khi chúng tôi đến trang trại Long Sơn huyện Cầu Ngang thì trời đã quá trưa. Trời tháng mười mây vần vũ, gió từ biển xa thổi tới mát mẻ, nên dù thấy hơi đói nhưng tin thần ai cũng khỏe khoắn. Anh Thanh quản đốc trang trại đã chuẩn bị mồi nhậu, bày bàn, sắp chén và đem ra bình rượu gạo ngâm sâm chuyên dành đãi khách.
Món ăn bày lên cũng đơn giản, đó là dĩa gà xé phay với bạc hà (dọc mùng) chấm muối hột và 2 dĩa cua gạch luột chấm muối tiêu chanh.
Cua gạch Trà Vinh, số một miền Tây!
Nhưng cái món mà tui ngạc nhiên hôm nay chính là cua gạch hấp gừng. Ngạc nhiên bởi vì món này nổi tiếng nhất là cua Cà Mau, mà đây cũng là món tui rất thích nên ăn thường xuyên. Lúc này trên Sài Gòn có nhiều quán chuyên cua, thực khách chỉ con nào cân con đó, bao chắc, chế biến đủ món từ hấp, nướng, rang muối, rang tiêu…
Do vậy thấy anh Thanh dọn nên dĩa cua gạch hấp, tuy là món ưa thích của tui, nhưng tui kỳ vọng món khác miền quê hơn, như rắn hổ hành xé phay hay ếch đồng chiên giòn vốn là những món của mùa nước nổi miền Tây. Mang tâm lý cua Cà Mau là số một, nên khi anh Thanh nói “anh ăn thử cua gạch Ba Động xem, đây là cua tự nhiên ngon nổi tiếng ở đây”, nói rồi anh bẻ cái mai cua đầy úp gạch đưa tui, tui cũng chưa thực sự hứng khởi. Nhưng khi uống một ly rượu xong, tui lấy muỗng móc một góc gạch đưa cay.... thì cảm giác thú vị bất ngờ. Miếng gạch điều nhưng lại có vị béo và thơm như gạch cua cái so, có lẻ là miếng gạch ngon nhất tui từng ăn.
Để cho chắc ăn, tui cho đi 2 tua rượu đế không mồi, sau đó thử lại một miếng thì vị béo, thơm vẫn như miếng đầu. Không uổng công anh Thanh đã giới thiệu. Dân ăn cua gạch son nuôi đều biết miếng gạch tuy đẹp mắt và cứng, nhưng không có độ béo ngọt và thơm như gạch cua Cái So. Tuy nhiên gạch cua cái so thì có mầu vàng không bắt mắt, lại không cứng như cua gạch son. Trong khi đó gạch cua này đã hợp được 2 ưu điểm nói trên, cái mai cua đầy um gạch đỏ cam thật đẹp mắt, mà ăn vào thì thật tuyệt, bình thương dân “cao thủ” chỉ cần một cái mai này đã đủ nhậu cả buổi.
Anh Thanh lại mời ăn cua. Tui theo thói quen bẻ chân ăn trước. Và cũng không kỳ vọng thịt sẽ ngon, vì đã ăn cua gạch thì chấp nhận thịt không ngon bằng cua thường, do những chất ngon bổ đã dồn vào gạch. Nhưng lại thêm một ngạc nhiên cho tui, mới ăn cái chân mà nghe mùa hương cua thật “ngọt”, không ngờ con cua gạch này lại có được vị thịt như “cua hương” là loại cua ăn vừa ngọt, vừa thơm. Tức là con cua gạch này đã tụ hội tất cả cái ngon những của con cua, từ thịt tới gạch, tui chỉ còn biết nói với anh Thanh “có lẻ cua gạch Ba Động là loại cua ngon nhất miền Tây mà tui từng ăn, kể cả cua móc sình miệt Cà Mau, hay cua biển thiên nhiên Vũng Tàu”.
Đuông cát Cầu Ngang, đã khoái khẩu lại thêm sung sức!
Nhậu được hơn lít, bắt đầu thấy nóng người, mở máy chuẩn bị bước vào giai đoạn sử dụng ly mời đá bổng (chứ chờ ly tua đến lượt thì lâu quá), thì thấy đàn em anh Thanh từ ngoài vườn đưa vào một rổ con nhộng trắng trắng, chừng bằng nửa ngón tay út. Anh Út, phó quản đốc, giới thiệu đây là con đuông cát do anh em đào ngoài vườn. Món này thuộc loại “đặt sản huyện Cầu Ngang”, nhiều khi anh em ở Huyện lên Trà vinh đều nhờ kiếm dùm một mớ để mời mấy anh ở tỉnh nhậu, vì lúc nào mấy ảnh đều nhắc.
Tui hỏi sao gọi là đuông cát, nó ăn giống con đuông dừa Bến Tre không? Anh Út vốn là nông dân rặt, thành thạo món nhậu miệt vườn nói “Đuông dừa lớn hơn, ăn béo nhưng chỉ nhậu vài con là ngán. Còn đuông cát thì ít béo, và dai hơn, nhưng nhai kỹ có đột ngọt thú vị, ăn nhiều cũng không bị ngán”. Thấy tui còn có vẻ chưa chú ý lắm, Anh Út nói thêm “mấy con này không chỉ nhậu khoái khẩu mà rất bổ cho khí huyết đó, bởi vì nó chuyên ăn các rể cây cỏ quanh vườn là những vị thuốc không hà, mà phải vườn sạch, chứ phân thuốc vô là không có nó, do vậy mới quý đó”.
Đuông cát được mấy anh em ra vườn tìm, chổ cỏ nào hơi úa là dấu hiệu có đuông ăn rể, thì lấy cuốc lật lên, rồi lượm bỏ rổ. Đem về hấp, chiên dòn, kiểu gì cũng được. Hôm nay anh Út làm món đuông ướp cari chiên dòn chấm với cơm mẻ. Đem dĩa Đuông lên, vì biết trước đây là đặc sản, lại là vị thuốc quý nên tui rất hăng hái ăn liền 2, 3 con. Lúc đầu ăn thấy vị cũng thường, hơi ngon hơn con nhộng tằm bán ngoài chợ. Nhưng rồi sau mỗi vòng rượu đưa cay con đuông thì mới thấy vị ngọt bùi của nó thấm vào miệng, không có cảm giác ngán. Thật là món nhậu khoái khẩu, là món ăn thiên nhiên miệt vườn chỉ có ở huyện Cầu Ngang, tức là “hàng độc” thì đủ để dân nhậu thích rồi, lại nghe nói có vị thuốc quý, nhậu xong về nhà sẽ “rất khoẻ khoắn” thì còn gì bằng!
Tóm lại chuyến này đi Trà Vinh được thưởng thức 2 món đặc sản thất là thích chí, nên viết ra cho các anh em biết thêm về sản vật miền Nam chứ không có ý khoe khoang gì đâu nhe!