Lẩu Thái chua cay là một trong các món lẩu ngon mang một hương vị đặc trưng của lẩu hải sản nói chung nhưng cũng không hề lẫn với các món lẩu khác. Sự kết hợp hài hòa giữa hương vị hải sản và rau củ quả đã làm lên hương vị đặc trưng của lẩu thái. Có một lý do quan trọng mà lẩu thái khá được ưa chuộng đó là nguyên liệu hải sản đủ dinh dưỡng và an toàn cực tốt cho sức khỏe, kết hợp với chất xơ từ rau , tinh bột từ củ quả làm cho bạn luôn thèm ăn mà không thấy ngán.
Nguyên liệu nấu lẩu thái
Xương ống: khoảng 1kg
Ngao: 1kg
Tôm: 1kg
Mực: 1kg
Nấm, bắp chuối, rau cần
Rau muống, rau cải
Sả: 6 cây
Riềng: 1 củ
Chanh: 2 quả
Lá chanh, đường, hạt nêm, gia vị lẩu thái, sa tế
Mì, bún
Cách nấu lẩu thái
Để có một nồi lẩu thái ngon thì các nguyên liệu rau nhúng, hải sản đều là loại thược phẩm tươi sống và phải được sơ chế thật kỹ để thức ăn sạch sẽ mà vẫn giữ được hương vị tươi ngon.
- Bước 1: Xương ống đem rửa sạch rồi cho vào nồi đun sôi rồi đem rửa lại với nước 1 lần nữa cho sạch để xương hết bẩn và mùi hôi. Sau đó cho xương ống và nước mới thêm chút muối vào nồi đun sôi nổi các bọt đen thì dùng muôi hớt bỏ rồi tiếp tục ninh ở lửa nhỏ, nước lẩu sẽ được trong hơn.
- Bước 2: Sơ chế các loại rau nhúng lẩu
Rau muống nhặt bỏ lá sâu, úa rồi rửa sạch.
Rau cần cắt rễ, bỏ bớt lá rửa sạch.
Bắp chuối thái mỏng rồi ngâm vào nước pha với chút dấm.
Nấm rơm rửa sạch rồi bổ đôi nấm.
Riềng thái lát mỏng.
Sả bóc lớp vỏ ngoài, đập dập phần đầu trắng, phần thân cắt khúc ngắn để cho vào nồi lẩu cho đẹp
Rau cải nhặt bỏ lá hư rồi cũng rửa sạch
Cách nấu lẩu thái
Cách nấu lẩu thái – nhặt và rửa sạch rau
- Bước 3: Sơ chế hải sản
Tôm cắt bỏ chân, đầu, bóc vỏ, rửa sạch rồi chẻ lưng rút bỏ phần chỉ đen cho bớt mùi tanh.
Ngao rửa qua nước rồi ngâm trong nước cho muối pha loãng cho thêm vài lát ớt trong khoảng 1 tiếng để ngao nhả hết đất cát bên trong, sau đó rửa lại nhiều lần rồi vớt ra.
Mực rửa sạch thái khoanh tròn hoặc thái miếng vừa ăn rồi xếp ra đĩa.
- Bước 4: Lẩu ngon hay không phần quan trọng nhất chính là nồi nước lẩu được nêm nếm gia vị sao cho đậm đà, đúng vị.
Nước xương sau khi ninh xong cho vài củ sả đập rập, riềng thái mỏng và lá chanh vò nát vào để nồi nước dùng thơm hơn. Nêm nếm thêm gia vị, nước mắm,hạt nêm, nước cốt chanh và 1 gói gia vị lẩu thái vào nồi nước dùng cho vừa ăn, nếu nồi nước chưa đủ màu thì bạn cho thêm cà chua xào nhuyễn vào để tạo màu đẹp hơn.
- Bước 5: Nồi nước lẩu đã xong, giờ chỉ còn việc bày ra bàn thôi. Bày rau, hải sản, mì, bún, nước chấm xếp xung quanh, ở giữa đặt nồi nước lẩu. Khi ăn thì cho thêm ít sa tế và bắt đầu cho các loại tôm, mực, ngao vào nồi nước lẩu đang sôi và nhúng kèm các loại rau.