Bức ảnh câu bé nhặt rác gây xúc động. Ảnh: Đình Việ |
Cùng cực
Ngồi buồn bã trong căn nhà tạm bợ đã xuống cấp nghiêm trọng nằm sát bên bãi biển Thiên Cầm, anh Tịnh kể, cuộc sống gia đình 4 thành viên bắt đầu đi vào ngõ cụt kể từ hai năm trước. Sau khi phát hiện mình bị bệnh thần kinh và phong thấp, người đàn ông trụ cột trong gia đình này đành phải giã từ với công việc đi biển đánh cá để đảm bảo cho mạng sống của mình.
“Bác sỹ bảo bệnh của tôi phải kiêng nước nếu không sẽ không có cách cứu chữa. Dân sống bên biển mà kiêng nước thì còn biết làm được chi để sống nữa đây”, anh Tịnh buồn bã cho biết.
Anh Tịnh nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Hiệp (SN 1980) đến nay đã được 15 năm và có với nhau hai mặt con. Cuộc sống hai vợ chồng gặp vô vàn khó khăn khi cả 4 miệng ăn trong gia đình đều chỉ trông chờ vào những chuyến đi biển của chồng. Từ ngày anh Tịnh nói lời từ biệt với biển cả, chị Hiệp cũng không còn việc để làm mà phải chuyển sang đi nhặt ve chai dọc ven bãi biển kiếm cơm qua ngày.
Hai anh em Khánh đi nhặt ve chai sau mỗi buổi học. Ảnh: Phan Ngọc |
Ngày qua ngày, hình ảnh ông bố lủi thủi đi một mình từ xa xa từ trên bãi biển xách đồ cho ba mẹ con đi nhặt ve chai dưới bãi biển không còn xa lạ với người dân nơi đây nữa. Không kể ngày nắng hay mưa, ba mẹ con chị Hiệp vẫn không dám bỏ việc một ngày nào bởi nghỉ việc ngày nào cũng đồng nghĩa với việc cắt cơm của cả gia đình ngày đó. Công việc mệt nhọc, từ tờ mờ sáng cho đến chiều tối nhưng thu nhập chỉ được vài ba chục ngàn mỗi ngày.
“Ngày nào may mắn lắm thì được 40.000 đồng còn không thì cũng chỉ được 20.000 – 30.000 chỉ để mua thức ăn qua ngày. Dù nắng hay mưa, thậm chí là mưa bão bà ấy vẫn không chịu ở nhà mà vẫn đi nhặt ve chai. Bà ấy nói, những lúc mưa bão, các đồ linh tinh khắp nơi dạt về ven biển nhiều hơn nên phải tranh thủ”, anh Tịnh chia sẻ.
Nguy cơ thất học của 2 đứa trẻ
Uống vội ngụm nước sau buổi đi nhặt ve chai, chị Hiệp lại vội vàng quay trở ra ngoài sân vườn phân loại ve chai để mang đi bán lấy tiền mua thức ăn về nấu cơm tối cho gia đình. Thấy hai đứa con dắt nhau trở về sau buổi học, người mẹ trẻ này vội vàng chạy đến hỏi con với vẻ mặt đầy lo lắng “hôm nay cô có hỏi tiền học phí không con”. Nghe con nói “có mẹ ạ”, chị Hiệp liền ôm chộp lấy hai đứa con rồi khóc nghẹn bảo “để mai mốt mẹ đi xoay xở xem sao”.
Chị Hiệp buồn bã cho biết, hoàn cảnh gia đình gặp quá nhiều khó khăn, nhất là từ sau khi anh Tịnh nghỉ việc, cả hai vợ chồng không biết xoay đâu ra tiền để cho hai đứa con của mình ăn học. Hết lần này đến lần khác phải xin các thầy cô “khất” tiền học phí.
Bị bệnh, anh Tịnh phải bỏ việc để đi nhặt ve chai cùng vợ con. Ảnh: Phan Ngọc |
Suốt hai năm qua, dù đang tuổi ăn tuổi học nhưng Khánh và cậu em trai mới 9 tuổi vẫn một buổi tới trường, một buổi dắt nhau lang thang đi nhặt ve chai ven bãi biển Thiên Cầm.
Không những được như bạn bè cùng trang lứa, ngoài việc học, Khánh còn phải đi làm kiếm cơm cho gia đình hằng ngày, mỗi tối cậu còn phải kiêng luôn việc dạy học cho em trai nhưng suốt 5 năm qua, Khánh vẫn đạt học sinh tiên tiến đều đặn mỗi năm. Nhiều lần cô giáo nhắc hỏi tiền học phí, biết bố mẹ không có tiền, cậu chỉ biết ậm ự với cô rồi im lặng mà không dám nói với ai vì sợ lại làm bố mẹ lo lắng.
“Nhiều bữa cô hỏi tiền như vậy cũng thấy rầy với các bạn lắm nhưng em chẳng biết phải làm sao nữa cả. Cha mẹ em cũng làm hết cách cả rồi. Em muốn xin cha mẹ nghỉ học luôn đi làm để kiếm thêm tiền cho em trai học nhưng cha mẹ không cho”, Khánh cho biết.
Nhắc đến chuyện đứa con trai mới lên lớp 5 xin nghỉ học để đi làm, anh Tịnh chẳng buồn nói gì nữa mà lẳng lặng một mình đi ra bãi biển đứng nhìn một cách xa xăm như muốn oán trách bản thân mình.
Ngồi trên mạn thuyền, hết nhìn trời rồi lại quay sang nhìn biển, người bố hai con này cho biết chỉ mong sao bệnh tật sớm khỏi để có thể quay lại làm việc để đỡ đần cho vợ con.