Trước đó, trên facebook có tên Dương Thành Nam đã đăng đoạn video cảnh báo “Xoài mút được làm giả và có hạt bằng nilon” và lan truyền tốc độ rất nhanh chóng. Gõ từ khoá “xoài mút” trên google, trong 0,28 giây cho ra 319.000 kết quả. Đoạn video trên đã gây hoang mang dư luận và có nhiều ý kiến trái chiều. Từ đây người ta tò mò và tìm hiểu về nguồn gốc của giống xoài có trái nhỏ hạt lép trên.
Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho rằng, loại xoài lạ xuất hiện trong những đoạn video rất giống với xoài cốc (hay còn được gọi là xoài cu) được trồng ở Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) và một số tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, giống xoài này trái rất nhỏ và cây rất sai quả, thường thu hái từ các cây cổ thụ còn sót lại nên việc cung ứng với số lượng lớn ra thị trường như báo chí đã nêu là rất khó.
Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lại cho rằng, đây không phải là xoài Trung Quốc, mà là giống xoài Đài Loan được trồng ở Việt Nam. Giống xoài Đài Loan (còn gọi là xoài ba màu, xoài Đài Loan xanh), sinh trưởng mạnh, ít bị sâu bệnh, vỏ trái dày thuận tiện cho việc chuyên chở đi xa, nên nông dân tăng diện tích trồng mới.
Đại diện chợ đầu mối nông sản Hóc Môn cho biết, xoài mút có xuất xứ từ Trung Quốc. |
Trái với các ý kiến trên, những người quản lý một số chợ nông sản đầu mối ở TP.HCM như Thủ Đức, Bình Điền cho rằng, qua tìm hiểu, được biết giống xoài này nhập từ Trung Quốc. Những ngày qua các nơi này đã nhập về hơn 80 tấn/ngày loại có kích nhỏ chín vàng giống như báo chí đã nêu. Loại xoài này do các công ty vận tải và phân phối thực phẩm có trụ sở ở miền Bắc vận chuyển vào. Giá bán sỉ khoảng 15.000-22.000 đồng/kg.
Cũng theo một người quản lý ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, mỗi đêm có khoảng từ 40-50 tấn xoài được một công ty vận chuyển từ miền Bắc vào chợ. Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hà (PGĐ Chợ Nông sản Thủ Đức) cũng cho rằng, các lô hàng nhập về chợ đều được các trạm kiểm dịch thu mẫu để kiểm tra hóa chất và dư lượng bảo vệ thực vật, nên chất lượng sản phẩm vẫn nằm trong ngưỡng cho phép. Nếu sản phẩm thiếu an toàn sẽ bị cơ quan quản lý tịch thu.
Ông Lê Hoàng Phong, người quản lý kinh doanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, cho biết, xoài "mút" có xuất xứ từ Trung Quốc, hàng này được nhập từ chợ đầu mối Thủ Đức, có giá bán trung bình từ 25.000đ - đến 27.000đ/kg, mỗi ngày có khoảng 8-10 vựa bán và sản lượng giao động từ 2-3 tấn”.
Thế nhưng ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục trồng trọt, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - thì khẳng định trên báo Thanh Niên là xoài "mút" được trồng ở miền Tây Nam Bộ của Việt Nam với diện tích hơn 1.000ha.
Còn ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết, trái xoài trong clip trên giống trái xoài thanh ca trồng ở vùng Bảy Núi của 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Tuy nhiên theo ông Thư, diện tích trồng xoài thanh ca không lớn nên người dân chủ yếu bán tại địa phương cho du khách.
Từ sau khi tin đồn xoài Trung Quốc là bằng nilon, nhiều sạp kinh doanh loại xoài này rơi vào cảnh ế ẩm. "Tôi không dám đem loại xoài nói trên ra bày bán vì sợ người ta nghi ngờ mình kinh doanh hàng Trung Quốc”, bà Lê Thị Lan - chủ sạp trái cây chợ Bàn Cờ, cho biết. “Từ tin đồn chưa được kiểm chứng mấy ngày nay sạp của tôi ế hẳn".
Những thông tin trái chiều về nguồn gốc của loại xoài này vẫn còn là dấu hỏi lớn. Ông Trần Ngọc Ẩn - Giám đốc Trung tâm giống Nông nghiệp - Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang - cũng cho biết, ban đầu có người nói đó là giống xoài ở tỉnh Bạc Liêu. Nhưng khi tìm hiểu thì ở Bạc Liêu không có giống xoài này. “Có thể đây là giống xoài ở Campuchia hoặc Trung Quốc. Ngoài ra, giống xoài này không nằm trong danh sách giống cây trồng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép sản xuất, trồng trọt”, ông Ẩn nói.
Tóm lại, những thông tin trái chiều này khiến người dân ngày càng hoang mang. Nếu có người cắc cớ hỏi "Đã không biết nguồn gốc xoài này ở đâu, sao biết tên nó là "xoài mút", có lẽ không ai trả lời nổi!
Đến giờ này vẫn chưa có cơ quan nào có phát ngôn chính thức.