Cuộc thi có 8 giải hoa hậu
Và tháng 10 tới đây, Công ty Cổ phần Trường Sơn Media lại “đẻ” ra một cuộc thi sắc đẹp là “Hoa hậu Doanh nhân toàn năng Châu Á 2019” (Miss Mighty Entrepreneur Asia 2019). Cuộc thi này dự kiến sẽ diễn ra tại Hàn Quốc. Cơ cấu giải thưởng và danh vị của cuộc thi sẽ có 10 giải thưởng chính, 3 giải thưởng phụ và 1 giải thưởng do Ban tổ chức bình chọn.
Theo ban tổ chức cuộc thi này thì với mục đích ý nghĩa là cầu nối giúp cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam và cộng đồng nữ doanh nhân các quốc gia khu vực châu á giao lưu, học hỏi, mở ra những cơ hội thúc đẩy thương mại kinh tế giữa doanh nghiệp các nước, xây dựng nền tảng cho sự hiểu biết văn hóa hội nhập, chia sẻ thông tin để cùng phát triển trong tương lai. “Hoa hậu Doanh nhân Toàn năng Châu Á 2019” còn là cơ hội để các nữ doanh nhân thể hiện tài năng, năng khiếu nghệ thuật mà mình đam mê yêu thích, bên cạnh tài năng trên lĩnh vực thương trường. Chỉ thế thôi sao?
"Xé nát" hoa hậu thành 8 tại cuộc thi sắc đẹp |
Lạ một điều là cơ cấu giải của cuộc thi "Hoa hậu Doanh nhân toàn năng Châu Á 2019” có 10 giải thưởng chính, trong đó chỉ có 2 giải Á hậu nhưng lại có tới 8 giải hoa hậu. Như vậy, ban tổ chức phải “vẽ” ra đến 8 cái “vương miện toàn năng”, bằng cách “phân tán” một sắc đẹp thành nhiều mảnh vụn như: Hoa hậu Doanh nhân, Hoa hậu Áo dài, Hoa hậu Thời trang, Hoa hậu Ảnh, Hoa hậu Khả ái, Hoa hậu Trí tuệ, Hoa hậu Nhân ái, Hoa hậu Thân thiện để trao giải. Thông thường, mỗi cuộc thi sắc đẹp chỉ có một hoa hậu và các á hậu mà thôi. Số còn lại chỉ là giải thưởng phụ…
Liệu đây có phải là động cơ “thương mại hóa” một cuộc thi sắc đẹp, vì đã xem nhẹ “mục đích ý nghĩa” của cuộc thi nhưng lại chú trọng đến quyền lợi của nhà tài trợ?
Nặng tính thương mại hóa
Đối với một cuộc thi sắc đẹp thì phần thi ứng xử là quan trọng nhất. Vì nó là cơ sở gắn liền với vai trò tác động đến xã hội cộng đồng của người thắng cuộc. Cho nên, ban tổ chức thường lựa chọn các chủ đề liên quan đến con người, bình đẳng giới, chống đói nghèo, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững… Sau đó, ban tổ chức sẽ thiết kế câu hỏi dành cho các thí sinh tham gia phần thi chung kết xếp hạng.
Ở nước ta nhiều cuộc thi sắc đẹp đã không có một kế hoạch chu đáo từ đầu đến cuối, thường chỉ “mang con bỏ chợ”. Vì thế, ban tổ chức các cuộc thi đã bị phê phán, hướng đến động cơ thương mại nhiều hơn là lợi ích xã hội cộng đồng. Các cô hoa hậu sau khi “cõng” cái vương miện về nhà là “lặn” mất tăm, không thực hiện các lời hứa trước đó. Những hoa hậu như thế chỉ xứng là những người đẹp méo mó về nhận thức mà thôi.
Poster cuộc thi Hoa hậu “Doanh nhân toàn năng Châu Á 2019” |
Còn ban tổ chức sau khi kết thúc cuộc thi hoa hậu này là họ lại chuẩn bị ngay một cuộc thi khác. Khi đó, công việc của ban tổ chức chỉ là truyền thông quảng bá “đánh bóng” cuộc thi, tìm kiếm nhà tài trợ mới, tuyển chọn thí sinh đăng ký tham gia (ở nhiều cuộc thi sắc đẹp dạng này, thí sinh dự thi phải đóng một khoản tiền gọi là phí dự thi), lựa chọn địa điểm tổ chức cuộc thi…
Điều này cho thấy phần lớn ban tổ chức cuộc thi hoa hậu đều không có một kế hoạch hành động cụ thể nào cho các hoa hậu sau khi thắng cuộc. Vì thế, họ đã tỏ ra thiếu trách nhiệm với “sân chơi” do chính họ tạo ra. Ban tổ chức đã không theo dõi sát sao hoạt động của các cô hoa hậu, không đôn đốc thực hiện đúng cam kết vì xã hội cộng đồng hoặc có chăng chỉ là làm vài chuyến từ thiện cho có…
Nên nhớ, xét về tính chất thì sắc đẹp là chủ quan, còn hoa hậu là khách quan, được sự thừa nhận của công chúng thông qua ban giám khảo của cuộc thi. Thông thường, người thắng cuộc là người có ứng xử hay nhất, là đưa ra lời hứa và cách hiện thực lời hứa đó với xã hội cộng đồng sau khi trở thành hoa hậu.
Mọi thí sinh đã giành vương miện trong bất cứ cuộc thi sắc đẹp nào cũng phải thỏa mãn các tiêu chí về: Tri thức, đạo đức và thẩm mỹ. Đồng thời, người giành vương miện và các giải thưởng phụ trong các cuộc thi sắc đẹp đều phải thực hiện các cam kết hành động là đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng, qua các hoạt động vì nhân đạo, vì môi trường…
Nhưng tiếc thay, hầu hết các cô hoa hậu ở nước ta đã quên ngay lời hứa khi bước ra khỏi cuộc thi. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều cuộc thi sắc đẹp có nội dung và hình thức tương tự cũng được cấp phép tổ chức tràn lan, với rất nhiều người đạt danh hiệu “hoa hậu, nữ hoàng, hoa khôi, người đẹp” khiến cuộc thi Hoa hậu Việt Nam bị giảm hẳn sức hút. Ngược lại, nó còn mang nhiều tai tiếng trong dư luận.
Các cô “hoa hậu” vì thế hãy thôi “ảo tưởng” và thôi bóp méo sắc đẹp của Việt Nam để trục lợi cá nhân. Còn các ban tổ chức các cuộc thi sắc đẹp này cũng nên bỏ cái trò “thương mại hóa” đi?
Hãy trả lại những điều tốt đẹp vốn có của các cuộc thi sắc đẹp!