Các luật sư cho biết, nếu kết quả xác minh xác định lỗi thuộc về ê kíp phẫu thuật thì người vi phạm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và còn có thể bị truy tố trước pháp luật.
Như chúng tôi đã đưa tin, sáng ngày 25/12, tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức (Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) xảy ra vụ việc hai bệnh nhân tử vong sau khi gây mê, nghi sốc phản vệ.
Sở Y tế Hà Nội đã có cuộc họp khẩn về nguyên nhân tử vong của 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trí Đức.
Hai bệnh nhân tử vong được xác định là Quách Thị Mai P. (37 tuổi, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) và Hoàng Văn T. (34 tuổi, trú tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội).
Bệnh nhân Quách Thị Mai P. vào viện và được chẩn đoán bị đau 2 thùy tuyến giáp, có chỉ định phẫu thuật cắt u 2 thùy tuyến giáp, vô cảm bằng gây mê nội khí quản.
Bệnh nhân Hoàng Văn T. được chẩn đoán bị viêm xoang mãn, viêm Amidal lệch vách ngăn, sùi vòm và có chỉ định phẫu thuật nội soi xoang, cắt amidan, chỉnh hình vách ngăn, nạo sùi vòm, vô cảm bằng gây mê nội khí quản.
Tuy nhiên, sau khi tiền mê xong sau 30 giây, bệnh nhân có biểu hiện tím tái, khó thở, tụt huyết áp, tinh thần lú lẫn, lơ mơ... Bệnh viện đã thực hiện hồi sức cấp cứu ngay tại phòng mổ và chuyển bệnh nhân tới khoa A9 của Bệnh viện Bạch Mai nhưng cả hai đã tử vong sau 2 giờ cấp cứu.
Ngay sau khhi sự việc xảy ra, toàn bộ hai ê kíp thực hiện ca mổ trên đã bị đình chỉ công tác tại bệnh viện. Tuy nhiên, các cán bộ, y bác sĩ trong ê kíp trên có phải chịu trách nhiệm hay không?
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, vụ việc khám chữa bệnh chết hai người tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức là hậu quả nghiêm trọng. Trong vụ việc này cơ quan công an có thể vào cuộc, xác minh làm rõ nguyên nhân thì mới có thể có kết luận về vụ việc và có biện pháp xử lý phù hợp.
Nếu kết quả xác minh xác định lỗi thuộc về kíp phẫu thuật, bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện là vi phạm quy định về khám chữa bệnh, dẫn đến hậu quả chết người thì người vi phạm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, phải bồi thường toàn thiệt hại và còn có thể bị truy tố trước pháp luật.
Nếu bệnh viện và bác sĩ không có lỗi đối với cái chết của hai nạn nhân trên thì bệnh viện mới không phải chịu trách nhiệm.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Trần Huy Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, do chưa xác định được nguyên nhân tử vong của 2 bệnh nhân nên chưa thể khẳng định điều gì. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân, các bác sĩ trong ê kíp trên có thể bị xem xét về việc có vi phạm các quy định của pháp luật về công tác khám chữa bệnh hay không.
Luật sư Tuấn phân tích, theo quy định tại Luật khám chữa bệnh năm 2009, Điều 76, trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh thì:
- Trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh hoặc trong trường hợp pháp luật quy định, doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
- Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm theo quy định thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh.
Ngoài ra, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
Với trường hợp trên, sau khi tiến hành các thủ tục cần thiết, xác định nguyên nhân tử vong, các thành viên trong kíp mổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 242 Bộ luật Hình sự - Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Nhìn nhận về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đây là sự cố y khoa nghiêm trọng tại BV Đa khoa Trí Đức xảy ra trong quá trình gây mê bệnh nhân.
Theo Luật sư Thơm, gây mê là phương pháp giúp người bệnh không đau với mức độ thức tỉnh khác nhau nhằm duy trì ổn định các chức năng sống trong khi thực hiện phẫu thuật (mổ), thủ thuật. Nếu bác sỹ gây mê không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình được qui định tại Thông tư 13/2012/TT-BYT và các văn bản hướng dẫn thi hành là nguyên nhân dẫn tới 2 bệnh nhân tử vong thì sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự 1999.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm.
Ngoài ra, các bác sỹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tính mạng cho các nạn nhân. Do các bác sỹ gây mê làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, khi hậu quả xảy ra do lỗi của bác sỹ trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện thì phải có trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân theo quy định tại các Điều 604, 610 Bộ luật Dân sự 2005.
Ông Thơm phân tích, Bộ luật Hình sự 1999 cũng đã quy định rõ hành vi vi phạm các quy định về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, các dịch vụ y tế mà gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe công dân sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự. Do đó, để xác định nguyên nhân 2 bệnh nhân bị tử vong thì cần thiết lập Hội đồng chuyên môn giải phẫu tử thi để làm rõ. Kết luận của cơ quan chuyên môn sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.