Đang bị thương mại hóa
Tín ngưỡng thờ Mẫu và việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam vốn rất thuần túy và đẹp đẽ, là một cuộc hội nhập của nhiều thành tố văn hóa: Từ thi ca (hát văn, hát nói, thâu nhận tất cả dân ca của các miền); ngưng kết đầy đủ các loại múa cổ của dân gian cho đến những yếu tố của hội họa. Chính vì những ý nghĩa quan trọng đó mà ngày 1/12/2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cần được bảo tồn và phát huy giá trị rộng rãi.
Trình diễn các giá hát văn hầu đồng - Ảnh: Anh Tuấn |
Thực tế cho thấy, tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ góp phần làm đa dạng đời sống tinh thần của người dân Việt mà đó còn gắn với các trung tâm thương mại và đầu mối giao thông quan trọng, kích thích sự giao thương, các nghề nghiệp phục vụ cho tín ngưỡng làm tranh thờ, kiến trúc, làm mã, thêu thùa, trồng hoa,… Thế nhưng, cũng chính vì có liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ có thể sinh lời mà đã và đang có không ít những phần tử xấu lợi dụng đức tin của Nhân dân vào đức Thánh Mẫu. Họ móc nối với các cơ sở kinh doanh biến tấu các buổi lễ hầu đồng tại các điện, các phủ khắp mọi miền đất nước với những mâm lễ đắt đỏ, và những việc làm mê tín. TS Vũ Hồng Thuật (Bảo tàng dân tộc học Việt Nam) thẳng thắn nhận định: “Có không ít thanh đồng hiện nay thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu quá tốn kém. Trong khi hầu bóng trong tín ngưỡng thờ Mẫu là một hoạt động tâm linh, ở đó người ta thả mình trong thế giới ảo với sự thành tâm. Và đã gọi là thành tâm thì không yêu cầu phải mâm cao cỗ đầy, có lễ vật nhưng không nhất thiết phải lễ vật quá to như nhiều người vẫn nghĩ”.
Trở lại với một tín ngưỡng thuần túy
Theo ông Nguyễn Sanh Châu – Đặc Phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO: “Chúng ta đã gặp rất nhiều trở ngại và tranh luận để có thể đưa hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Vì vậy, việc bảo tồn di sản này cần được thực hiện dựa trên sự nghiên cứu và quy trình quản lý chặt chẽ nhằm xóa bỏ ranh giới mê tín hay không mê tín tồn tại trong suy nghĩ của quần chúng bấy lâu nay”.
Xung quanh vấn đề bảo tồn di sản, ngoài những giải pháp được hầu hết các nhà nghiên cứu và đại biểu đưa ra như: Thực hiện tuyên truyền mạnh mẽ để người dân có thể hiểu đúng bản chất, giá trị của tín ngưỡng, có những hình thức khuyến khích các thanh đồng trong việc “giữ lửa” và thực hiện sứ mệnh trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, quảng bá hình ảnh tín ngưỡng thờ Mẫu đến với người nước ngoài một cách bài bản. Đặc biệt, trả lời cho câu hỏi bảo tồn và phát huy giá trị của di sản như thế nào sau khi được thế giới công nhận, nhà nghiên cứu Vũ Khắc Nguyên nhấn mạnh: “Muốn di sản phát huy được hiệu quả thì việc đầu tiên mà các cấp quản lý cần làm là cùng Nhân dân giữ nguyên trạng di sản đó để không chỉ là thế hệ bây giờ mà còn là những lớp con cháu sau nữa cũng sẽ biết được và hiểu được một tín ngưỡng linh thiêng và trân quý của dân tộc, đồng thời, phải làm được tiêu chí 3 cùng: cùng nhà quản lý, cùng nhà chuyên môn, cùng các thanh đồng thanh quan để phát huy di sản”. Có giữ được thì mới có hi vọng loại trừ những cái xấu để đưa Nhân dân về với một tín ngưỡng thuần túy vốn có.