Hai tấm hộ chiếu…
Chiều 11/3, chia sẻ thông tin với báo chí về ca nhiễm Covid-19 thứ 17 không được phát hiện, cách ly kịp thời khi về Việt Nam, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Thượng tá Nguyễn Thị Bình Phương cho biết, khi làm thủ tục nhập cảnh cho hành khách chuyến bay VN0054, cán bộ, chiến sỹ thực hiện đúng quy trình kiểm tra nhập cảnh, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh bùng phát như hiện nay, kiểm soát viên đã lật mở từng trang hộ chiếu để kiểm tra điểm đi/đến của hành khách nhằm phát hiện những hành khách đi qua những vùng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Về trường hợp N.H.N, bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 có đi tới Italia nhưng không bị phát hiện khi nhập cảnh, Thượng tá Nguyễn Thị Bình Phương cho biết, N.H.N có 2 hộ chiếu Việt Nam và Anh.
Bệnh nhân N17 đang được điều trị tại bệnh viện
Ngày 15/2, N.H.N sử dụng 2 hộ chiếu trên làm thủ tục hàng không và xuất cảnh trên chuyến bay VN0055 theo hành trình từ Nội Bài đi Anh. Ngày 02/3/2020, trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Nội Bài, hành khách N.H.N tiếp tục sử dụng hộ chiếu Việt Nam để làm thủ tục nhập cảnh.
Sau khi đi qua khu vực kiểm dịch y tế, đến khu vực làm thủ tục nhập cảnh, cán bộ, chiến sỹ Công an Cửa khẩu Nội Bài đã kiểm tra kỹ các trang của hộ chiếu, không phát hiện có dấu kiểm chứng nhập xuất cảnh của Italia cho nên đã giải quyết nhập cảnh bình thường, không phát hiện được hành khách này đã đi qua vùng dịch.
Vì sao N.H.N đã đến một số nước như Pháp, Italia nhưng không có dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh của các nước trên trong hộ chiếu Việt Nam của khách, theo Thượng tá Nguyễn Thị Bình Phương, ngoài hộ chiếu Việt Nam, N.H.N còn có hộ chiếu Anh, và theo quy định hiện hành, Anh không thuộc khối Schengen nhưng vẫn giữ quy chế EU đến hết ngày 31/12/2020. Công dân thành viên EU được đi lại tự do trong khối mà không cần visa và không đóng dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh trên hộ chiếu.
Để thuận lợi cho việc đến và đi các nước trên, nhiều khả năng N.H.N đã sử dụng hộ chiếu Anh để đến các nước trên theo hình thức miễn thị thực (trong hộ chiếu Việt Nam của N.H.N không có thị thực Schengen) và khi nhập cảnh Việt Nam, N.H.N sử dụng hộ chiếu Việt Nam để làm thủ tục tại Cửa khẩu Nội Bài.
… Và hành vi vi phạm
Việc N.H.N sử dụng cùng lúc hai hộ chiếu tùy vào các mục đích xuất nhập cảnh vào các nước khác nhau đã thành nguyên cớ cho việc thoát cách ly khi nhập cảnh về Việt nam. Và, trở thành nguồn lây bệnh cho nhiều người, liệu có là hành vi vi phạm pháp luật xuất nhập cảnh?
Theo khoản1 Điều 3 Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì Công dân Việt Nam mang hộ chiếu quốc gia (hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông) được xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu của Việt Nam. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế đó.
Mặt khác, khoản 4 Điều 4, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định Người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Theo khoản 5 Điều 12 của Luật này thì, Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.Như vậy, việc N.H.N khi khi xuất cảnh/nhập cảnh lại Việt Nam với hộ chiếu Việt Nam hay sử dụng hộ chiếu Anh để nhập cảnh/ xuất cảnh và đi lại giữa các nước thuộc khối Schengen (cho đến khi Anh vẫn giữ quy chế EU đến hết ngày 31/12/2020) là việc bình thường.
Thế nhưng, nhìn từ khía cạnh phòng chống dịch thì N.H.N vẫn còn đó một trách nhiệm pháp lý khá rõ ràng. Về nguyên tắc, theo khoản 3 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì N.H.N phải khai báo kịp thời cho cơ quan chức năng là có đến Italia nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được diễn ra tốt nhất.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ ngày 29/2, Bộ Y tế đã quy định người nhập cảnh từ Italy, Iran phải khai báo y tế, nên nếu N.H.N không thực hiện là sai.
Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, thì Covid-19 là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, các hành vi bị cấm bao gồm… Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; Không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Tuy nhiên, nếu N.H.N dù sử dụng 2 hộ chiếu là hợp pháp, và thực sự biết trước mình bị nhiễm Covid-19 mà cố ý che giấu đã từng đến Italia để không bị cách ly, xét nghiệm thì sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng theo khoản 2 Điều 6 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Thậm chí, N 17 còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 Người nào cố tình lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật hình sự 2015, bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu việc phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; làm chết người thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạt tù từ 10 năm đến 12 năm đối với trường hợp phạm tội đẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; làm chết 02 người trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nói di thì cũng cần nó lại, trường hợp N.H.N lỗi hành vi đã rõ. Giận thì giận mà thương thì thương cũng là đạo lý. Để xử lý theo chỉ đạo của thủ tướng cũng cầm xét yếu tố lỗi là cố ý hay vô ý mà lượng mức xử lý phù hợp. Bởi xét cho cùng, không người nào lại có chủ ý lây lan dịch bệnh cho chính người thân, gia đình của mình.
Visa Schengen (Visa châu Âu) cho phép bạn đi lại tự do trong 26 nước trong khối Schengen gồm: Áo, Bỉ, Thụy Sỹ, Cộng hòa Séc, Đức, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Lithuania, Luxembourg, Latvia, Litva, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Slovenia và Slovakia. Để xin được visa Schengen bạn cần xin được visa vào một trong những nước thuộc Schengen nêu trên. Anh không thuộc khối Schengen nhưng vẫn giữ quy chế EU đến hết ngày 31/12/2020. Công dân thành viên EU được đi lại tự do trong khối mà không cần visa và không đóng dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh trên hộ chiếu. |