Tết đi qua, nỗi đau ở lại
Với cán bộ, bác sĩ nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hà Nội, khái niệm Tết lại đang trở thành nỗi ám ảnh bởi khối lượng công việc quá tải khi bệnh nhân vào viện vì bị tai nạn gia tăng. Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong 6 ngày đầu năm mới đã phải gồng mình tiếp nhận gần 700 bệnh nhân.
Sau khi cấp cứu, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến các chuyên khoa trong bệnh viện hoặc bệnh viện lân cận để giảm tải.
Trong số hàng trăm bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, chủ yếu do lạm dụng rượu, bia dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy cấp, men gan tăng cao và xơ gan.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Phạm Hùng |
Còn tại Bệnh viện Việt Đức, trong những ngày Tết liên tục tiếp nhận bệnh nhân TNGT. Nếu ngày mùng 1 Tết số bệnh nhân có giảm so với ngày 30 với 95 ca cấp cứu, trong đó 76 ca TNGT, thì từ ngày mùng 2 số bệnh nhân TNGT tăng lên 128 ca, với 30 ca chấn thương sọ não; mùng 3 Tết có 126 ca TNGT cấp cứu, 92 ca chấn thương sọ não… Theo bác sĩ Vũ Văn Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu (Bệnh viện Việt Đức), số bệnh nhân cấp cứu trong những ngày Tết vừa qua có tới 80% là các ca TNGT, trong đó 60% có liên quan đến bia rượu.
Con số “toàn cảnh” hơn, trong 7 ngày nghỉ Tết (14 - 20/2), dù có giảm cả 3 tiêu chí, nhưng toàn quốc vẫn xảy ra 296 vụ TNGT làm chết 195 người, bị thương 199 người. Lý giải nguyên nhân TNGT ngày Tết tăng cao, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, bên cạnh ý thức của người tham gia giao thông như không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, sự hiếu thắng của một số thanh thiếu niên thì rượu, bia trong những ngày Tết là nguyên nhân cơ bản.
Theo ông Hùng, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng và đang ở mức báo động. Thống kê có tới 70% số vụ TNGT có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. “Các nghiên cứu gần đây cho thấy uống rượu, bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ bị hưng phấn, chạy xe với tốc độ cao. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 - 30%, dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và TNGT” - ông Hùng chia sẻ. Đối tượng xảy ra tai nạn phần lớn là người đi xe máy. Khu vực xảy ra TNGT chủ yếu tại khu vực nông thôn, ngoài đô thị. Hệ quả là biết bao gia đình không chỉ mất Tết mà còn vĩnh viễn mất người thân.
Xử lý mạnh tay hơn
Không thể phủ nhận trong thời gian gần đây, bằng những quy định với chế tài cụ thể, đặc biệt trong các cơ quan công sở, đội ngũ cán bộ công chức, tình trạng uống bia, rượu đã giảm đi rất nhiều. Mỗi năm, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước cũng xử lý hàng chục nghìn trường hợp sau khi đo nồng độ cồn.
Cuối năm 2017, Nghị định 105 về cấm bán bia, rượu cho người dưới 18 tuổi cũng đã chính thức có hiệu lực. Nhưng “Tết đến, Xuân về”, khi công tác quản lý, xử lý chỉ cần “ngơi tay”, số vụ ngộ độc rượu và TNGT từ rượu bia lại gia tăng. Nhất là tại khu vực nông thôn, khi mà Tết là dịp đoàn tụ, nhưng nhiều người lại coi đó là cơ hội để lấy chén rượu “đo tình cảm”, để chứng tỏ “bản lĩnh” dẫn đến mức say rượu mất kiểm soát.
Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, uống rượu ngày Xuân đến mức quá đà, mất kiểm soát đã kéo theo bao hệ lụy đến sức khỏe, hạnh phúc gia đình, trật tự an toàn xã hội cần được chấn chỉnh kịp thời, tránh để rượu trở thành “độc dược”, là “kẻ thù” nguy hiểm nhất. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay xử lý nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp vi phạm, đừng để cứ hô hào, cứ cảnh báo nhưng cuối cùng những hậu quả nặng nề từ bia rượu vẫn xảy ra.
Luật sư Nguyễn Đào Tơ (Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy): Về trách nhiệm hành chính, tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định mức phạt rất nặng đối với hành vi sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khi tham gia giao thông đường bộ, ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung. Về trách nhiệm dân sự đối với hành vi sử dụng rượu bia gây thiệt hại cho người khác cũng được quy định rõ tại Điều 596 Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra. Về trách nhiệm hình sự, nếu người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự (bị phạt tù từ 3 - 10 năm). (Hồng Thái) |
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai): Người uống rượu kéo dài sẽ dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da xanh do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, ung thư gan, mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần. Nếu trường hợp uống phải rượu methanol số lượng nhiều, sau 1 - 2 ngày bệnh nhân sẽ có dấu hiệu mù mắt, sau đó dẫn đến trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong. Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, năm 2017, số mắc, chết và đi viện do ngộ độc rượu tăng đột biến. Rượu gây ra 10 vụ ngộ độc, 119 người mắc, 115 đi viện và 11 người chết. (Hải Lý) |