Đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe chạy cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500 km_Ảnh: tapchitaichinh.vn
Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 và khoản 2 Điều 14 của nghị định thì trước ngày 01/7/2021, xe ô-tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ chín chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.
Đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe chạy cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500 km. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách...
Theo Bộ Giao thông vận tải, sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định 86, đã có những thay đổi về quy định pháp luật, sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ cũng như một số nội dung của Nghị định còn bất cập.
Việc lắp đặt camera theo dõi, giám sát, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm pháp luật của lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện, giúp đơn vị kinh doanh vận tải kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, ngăn ngừa lái xe vi phạm. Đồng thời, giúp cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm của người lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ của hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự trong lĩnh vực vận tải ô-tô.
Khoảng 200.000 xe khách từ trên 9 chỗ, xe container, xe đầu kéo sẽ phải lắp camera để giám sát lái xe và hành khách_Ảnh:SF Express
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành đôn đốc đơn vị vận tải lắp camera trước ngày 01/7 theo quy định. Như vậy từ sau ngày này, thtống kê chưa đầy đủ, có khoảng 200.000 xe khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo sẽ phải lắp camera để giám sát lái xe và hành khách.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 7 và khoản 5 Điều 8 của nghị định,thì đến ngày 01/01/2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.
Trên cơ sở các thông tin của hợp đồng vận chuyển, kết hợp với thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, hệ thống sẽ xác định các trường hợp xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để kịp thời xử lý theo các quy định hiện hành.
Đồng thời quy định tại khoản 4 Điều 6 và điểm b khoản 2 Điều 16 của nghị định cũng bắt buộc đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến hành khách, người thuê vận tải và gửi thông tin hóa đơn điện tử về cơ quan Thuế để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn.