Triển lãm Quốc tế Denimandjeans là một sự kiện thường niên đã thu hút được sự chú ý của giới may mặc, các nhà bán lẻ, các nhãn hàng và các công ty dệt may mà đặc biệt là từ khu vực EU và Mỹ. Triển lãm Denimjeans lần này có sự tham dự của hơn 40 công ty từ Việt Nam và 10 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Ấn Độ, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc, Pakistan… Đây là những nhà sản xuất vải denim, phụ kiện, thiết kế, thời trang denim, công nghệ sản xuất vải denim bền vững…
Ông Sandeep Agarwal, Giám đốc Điều hành Denimandjeans. |
Ông Sandeep Agarwal, Giám đốc Điều hành Denimandjeans cho biết: trong 2 lần tổ chức tại Việt Nam trước đây, triển lãm đã thu hút được sự chú ý của các nhà bán lẻ, các nhãn hàng thời trang, công ty dệt may trên thế giới, đặc biệt là từ khu vực EU và Mỹ. Lần triển lãm thứ 2 vừa qua sự kiện đã thu hút người mua từ 326 công ty ở 26 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia. Trong triển lãm lần này sẽ giới thiệu, trưng bày các xu hướng theo khu vực, các thành tựu mới nhất trong ngành công nghiệp vải denim – một loại vải được dệt đôi, được dệt từ các sợi Cotton thuộc hai màu, trong đó, một là màu trắng và màu còn lại là xanh theo kiểu truyền thống hoặc đen theo kiểu cách tân. Chất liệu này có độ bền cao, tương đương với vải bạt Canvas nguyên thủy, song không chà sát da, gây khó chịu cho người mặc như vải bạt Canvas.
Trong thời gian triễn lãm Denimsandjeans lần thứ 3 sẽ có 6 buổi hội thảo do các chuyên gia quốc tế về Denim sẽ thuyết trình và trao đổi theo các chủ đề sau: Chủ đề in 3D và tương lai của nó, tương lai của nguồn cung cấp Denim- trực tuyến, phương thức liên kết chuỗi cung ứng Denim để phát triển bền vững, chuyển đổi kỹ thuật số từ Analog đến Digital, thay đổi theo thời gian - cũng là nguồn cung ứng điểm qua những thay đổi ấn tượng trong những thập kỷ gần đây, và chủ đề Pop Culture and Denim- how celebrities Affect Trends.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam . |
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết: ngành dệt may Việt Nam đang ở trong một giai đoạn sản xuất, xuất khẩu thuận lợi. Hiện Việt Nam đã và đang thực hiện 16 Hiệp định Thương mại tự do song phương, đa phương (FTA). Trong đó, 2 hiệp định thương mại thế hệ mới là CPTPP và FTA Việt Nam – EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho dệt may Việt Nam. Năm 2017 xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 31,1 tỷ USD, dự kiến năm 2018 sẽ đạt trên 34 tỷ USD.
Việt Nam đang là một trong những điểm đến lý tưởng cho những ai quan tâm đến ngành công nghiệp dệt may. Những sự kiện gần đây như Hiệp định CPTPP, VN-EU FTA… đã được ký kết và sắp có hiệu lực đã kéo theo sự dịch chuyển đầu tư dệt may vào Việt Nam. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, thuế suất hiện ở khoảng 10%-12%, tương lai sẽ giảm còn 0% khi hiệp định FTA có hiệu lực. đó sẽ là điểm sáng, tạo động lực, mang lại lợi thế cho hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu vào EU.