Họa đến từ ý thức kém
Khảo sát địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện nay phần lớn thợ hàn cắt kim loại xuất thân từ những cơ sở nhỏ và vừa nên việc huấn luyện về nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy rất hạn chế. Do vậy, khi tiến hành hàn cắt kim loại, họ không có hoặc không biết các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy. Những người này cũng chưa có biện pháp cách ly các vật liệu, hàng hóa dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt; thiếu dụng cụ, phương tiện chữa cháy cần thiết tại khu vực hàn cắt; không chú ý đến tính an toàn của các dụng cụ sử dụng để hàn cắt…
Bên cạnh đó, người trực tiếp tổ chức hàn cắt kim loại còn không nắm được những đặc tính nguy hiểm cháy, nổ của hàn cắt kim loại, để từ đó có biện pháp phòng ngừa. Khi xảy ra sự cố, họ cũng không biết sử dụng các loại dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ. Vì thế, họ dễ mất bình tĩnh, lúng túng, sợ hãi nên không biết cách xử lý để dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh, thậm chí còn bỏ chạy làm cho đám cháy lan nhanh và gây ra hậu quả vô cùng tang thương.
|
Vụ cháy nhà số 375 đường Lê Văn Lương, quận 7, TP Hồ Chí Minh do thợ hàn bất cẩn |
Trưa ngày 27 /7, một vụ hỏa lớn đã xảy ra tại đường lê văn lương, quận 7, tp.hồ chí minh thiêu rụi 1 cửa hàng sữa chửa điện lạnh và gây thiệt 2 nặng cho 2 cửa hàng kế bên. nguyên nhân ban đầu được xác định là do một người thợ bất cẩn trong lúc hàn xi gây cháy.
Vào khoảng 11 giờ 10 cùng ngày, người dân phát hiện khói lửa kèm theo nhiều tiếng nổ lớn phát ra từ một cửa hàng sữa chửa điện lạnh, địa chỉ 375, đường lê văn lường, phường tân quy, quận 7. ngọn lửa nhanh chóng bùng lên và nhanh chóng bao trùm toàn bộ cửa hàng trên và cháy lan sang một salon tóc và cửa hàng sửa chữa đồ điện tử kế bên.
Vụ cháy không gây thương vong về người nhưng đã thiêu rụi cửa hàng sửa chwuax điện lạnh, gây cháy lan 2 cửa hàng và nhiều vật dụng, tài sản. nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định là do một người đàn ông bất cẩn trong lúc hàn xì ở trước cửa hàng điện lạnh khiến lửa bắt vào vật dụng dễ cháy, gây cháy lan.
Trước đó, vụ cháy tại trung tâm Thương mại quốc tế TP Hồ Chí Minh (ITC) xảy ra vào trưa 29/10/2002 làm chết 60 người, bị thương 70 người và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Nguyên nhân dẫn đến thảm họa này cũng được xác định là bất cẩn khi hàn cắt kim loại. Thợ hàn để vảy xỉ nhiệt độ khoảng 1.700 độ C bắn vào xốp cách âm. Khi xảy ra cháy, thợ hàn không tích cực truy hô dập lửa, không báo cho người quản lý mà bỏ trốn khỏi hiện trường hỏa hoạn.
Tương tự, vụ cháy vũ trường Borocco trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P8 Q3, TP Hồ Chí Minh cũng có nguyên nhân từ hàn cắt kim loại. Khi đó, người thợ sửa chữa quán bar này trong điều kiện không bảo đảm an toàn PCCC thì tia lửa bắn vào các vật dụng dễ cháy. Và ngọn lửa bắt đầu bùng phát dữ dội…
Ngoài ra, hàng loạt các vụ hỏa hoạn có nguyên nhân từ hàn cắt kim loại xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như: Vụ cháy tại Nhà máy bia Việt Nam ở xã Tân Thới Hiệp, huyện Hóc Môn, gây thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng; Vụ cháy tại cơ sở Minh Đức chuyên sản xuất sơn dầu ở đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12; Vụ cháy tại Công ty TNHH Thượng Thăng ở xã Tân Túc, huyện Bình Chánh, gây thiệt hại trên 15 tỷ đồng và vụ cháy tại Công ty Cổ phần sản xuất - kinh doanh thép Thắng Lợi ở Hương lộ 80, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh làm một người tử vong…
Cần tuân thủ quy định an toàn cháy nổ
Thiếu tá Huỳnh Vũ Huyên - Đội Trưởng Đội chữa cháy chuyên nghiệp khu vực 1 (Phòng Cảnh sát PC&CC huyện Bình Chánh) cho biết: Để PCCC có hiệu quả thì chúng tôi luôn bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra các cơ sở, công trình sửa chữa có nguy cơ cháy nổ. Từ đó, chúng tôi sẽ nhắc nhở chủ cơ sở thực hiện qui chuẩn an toàn cháy nổ. Nếu các cơ sở không thực hiện đúng qui định, chúng tôi sẽ lập biên bản và xử phạt để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
Ông Huyên nói thêm: Việc phòng ngừa nguy cơ cháy nổ cần nêu cao ý thức, trách nhiệm của người quản lý cơ sở khi tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị, cấu kiện xây dựng tại cơ sở của mình quản lý. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn hàn lồng ghép với các buổi phổ biến kiến thức an toàn PCCC theo định kỳ… để phòng ngừa “giặc lửa” từ xa.
Tiếp đến là ban hành quy định về PCCC, về quy trình an toàn khi hàn phù hợp với đặc điểm sản xuất và đặc thù của từng cơ sở. Các chủ cơ sở cũng cần chọn lựa, sử dụng những thợ hàn có trình độ tay nghề tốt, vừa đảm bảo chất lượng công việc, vừa tạo sự an toàn lao động và an toàn cháy, nổ khi làm việc.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên kiểm tra, huấn luyện, cấp chứng chỉ và bồi dưỡng kiến thức về PCCC cần đưa nội dung về hàn vào để nâng cao ý thức cảnh giác cho các cơ sở khi họ thực hiện công việc hàn.
Khi sửa chữa mà cần phải hàn ở các khu vực có chứa chất dễ cháy, nổ, cần dừng quá trình sản xuất, tổ chức cách ly vật liệu cháy ra khỏi khu vực “nguy hiểm”, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện chữa cháy ban đầu cạnh khu vực hàn để xử lý kịp thời nếu có sự cố cháy, nổ xảy ra…
Hầu hết các vụ hỏa hoạn xảy ra thời gian qua đều có nguyên nhân xuất phát từ sự bất cẩn của chủ cơ sở và những người thợ thi công công trình. Cho nên, lực lượng chức năng cần bám sát địa bàn, luôn kiểm tra các điều kiện, quy chuẩn an toàn cháy nổ, lập đường dây nóng, để tiếp nhận thông tin cảnh báo các trường hợp thi công tự phát, không đảm bảo an toàn PCCC.
Như vậy, các sự cố tang thương như vụ cháy xưởng sản xuất bánh kẹo trên địa bàn xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) mới không tái diễn…
Theo Sở cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hồ Chí Minh, các vụ cháy có nguyên nhân từ hàn cắt kim loại chủ yếu là sửa chữa và lắp đặt các loại biển hiệu, bảng quảng cáo. Vì vậy, các cơ sở sửa chữa, hàn cắt biển hiệu, bảng quảng cáo cần thực hiện tốt các tiêu chuẩn an toàn cháy nổ như: 1. Thực hiện tốt các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC, yêu cầu về thoát nạn, cứu nạn - cứu hộ được quy định tại QCVN 17:2013/BXD ngày 31/10/2013 của Bộ Xây dựng - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời. 2. Hệ thống điện chiếu sáng của biển quảng cáo phải có nguồn điện cấp riêng và có cầu dao, aptomat bảo vệ để hạn chế tối đa những sự cố cháy, nổ có thể xảy ra. 3. Không lắp đặt biển quảng cáo kín cả tòa nhà hay che lấp các lối thoát nạn, ban công; không để hàng hóa, vật liệu dễ cháy bên dưới hoặc gần với vị trí đặt biển quảng cáo có sử dụng điện… 4. Biển quảng cáo nên được lắp đặt ở những vị trí thông thoáng để thuận tiện cho việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa. 5. Thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của các thiết bị bảo vệ (cầu dao, aptomat) cho toàn cơ sở, từng khu vực, từng hạng mục công trình, từng gian phòng và từng thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn; tình trạng hoạt động của nguồn điện dự phòng, hệ thống điện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn. 6. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số 114, cho Công an nơi gần nhất đồng thời bằng mọi cách dập cháy và cứu người theo phương án chữa cháy và thoát nạn đã lập. |