Lòng xào ớt
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Nguyên liệu:
300g lòng heo
Ớt ngọt, nửa củ hành tây, gừng, hành lá, tỏi.
Gia vị: 1 thìa rượu nấu ăn, 1 thìa xì dầu, 1 thìa cà phê tiêu, 1 thìa dầu mè, 1 thìa nước mắm, đường.
Lòng heo rửa sạch nhiều lần với muối, luộc chín, cắt thành miếng nhỏ. Ớt ngọt và hành tây cắt nhỏ. Tỏi, ớt, gừng băm nhỏ, hành lá cắt khúc.
Phi thơm tỏi ớt gừng, cho ớt ngọt, hành tây, rượu nấu ăn, muối vào xào trước rồi trút lòng heo vào. Xào thêm một lúc rồi cho xì dầu, nước mắm, đường, đảo đều, nêm nếm gia vị, rắc hành lá, dọn ra đĩa.
Cá chép chiên giòn
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Nguyên liệu:
Cá chép tươi: 1 cân
Cà chua chín: 2 quả
Dưa chuột: 2 quả
Rau xà lách: 2 cây
Chanh tươi: 1 quả
Ớt sừng: 1 - 2 quả
Tỏi: 1 củ
Bún rối: 0.5 cân
Bánh tráng
Gia vị: Nước mắm, hạt nêm, muối, đường, dầu ăn
Cách làm:
Cá chép: Làm sạch cá, đánh bay vảy, loại bỏ phần mang cá, ruột cá. Rửa bằng nước sạch sau đó xát muối trắng lên toàn bộ cá để cá không bị ươn. Tiếp đó, rửa lại bằng nước sạch, để cho ráo nước rồi ướp cá chép với bột nêm, có thể khứa mình cá một vài đường để nêm ngấm hơn vào cá. Ướp 20 phút để cá thấm gia vị.
Cà chua: Rửa sạch với nước muối loãng, bổ đôi ra, cắt bỏ phần cuống và thái lát.
Dưa chuột: Rửa sạch với nước muối loãng, có thể để cả vỏ cho giòn, thái thành lát tròn.
Rau xà lách: Nhặt lấy những lá non. Rửa sạch với nước muối loãng, để ráo rồi cho kèm với cà chua và dưa chuột ra đĩa để trang trí và ăn ghém với cá chiên.
Chanh tươi: Vắt lấy nước cốt, bỏ hết hạt. Trước khi vắt thì lăn chanh để lúc vắt chanh ra nhiều nước hơn.
Ớt sừng: Bỏ hạt, băm nhỏ.
Tỏi: Bóc vỏ, đập dập rồi băm nhỏ.
Cho đường ra bát tô, đổ nước ấm vào để đường nhanh tan hơn. Sau đó cho nước mắm, nước cốt chanh vào khuấy đều lên. Nếm xem đã đủ vị chua ngọt chưa thì điều chỉnh tiếp. Sau đó thêm ớt (tùy chỉnh theo độ ăn cay) và tỏi băm vào.
Chuẩn bị một chiếc chảo chiên sâu lòng, chống dính. Đổ khoảng 500ml dầu ăn vào (cho nhiều dầu ăn như vậy để ngập cá, giúp cho việc chiên cá chín đều và màu vàng đều). Đun khi dầu sôi hẳn thì cho cá chép vào chiên.
Lúc đầu chiên cá thì để lửa to vừa, sau dần bạn có thể cho lửa nhỏ bớt đi để cá chín hẳn bên trong và không bị cháy bên ngoài.
Trong khi chiên, bạn dùng kẹp hoặc đũa gỗ để lật cá để cả hai bên mặt cá vàng đều và giòn đều. Không nên dùng đũa kim loại khi chiên xào vì nó sẽ dẫn nhiệt gây nóng, bỏng tay.
Chiên cá bằng dầu sôi khá nhanh chín, bạn không cần chiên quá lâu. Chiên một lúc thấy cá vàng đều màu là được.
Chuẩn bị giấy thấm dầu để trên đĩa. Khi tắt bếp hãy vớt cá ra luôn để giấy thấm dầu hút bớt dầu ăn trong cá. Không nên ngâm cá trong dầu ăn vì khi ăn sẽ rất ngấy và không ngon.
Cho cá ra đĩa rau sống đã chuẩn bị sẵn và thưởng thức.
Chấm cá chép chiên giòn với nước chấm tỏi ớt vừa pha.
Canh cua hoa thiên lý
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Nguyên liệu:
Cua đồng: 300gr
Hoa thiên ký: 150gr
Bột gia vị, hạt nêm, nước mắm vừa đủ
Cách làm:
Cua đồng rửa sạch, gỡ mai, yếm để riêng, bỏ yếm, rửa sạch, để ráo, cho vào cối, giã nhuyễn với vài hạt muối.
Dùng thìa lấy phần gạch ở mai cua, cho vào bát với 1/4 thìa cà-phê hạt nêm. Tráng qua nước cho hết mùi hôi.
Cho cua đã giã vào tô, hòa với 1 lít nước, bóp nhẹ để thịt cua tan đều. Lọc cua bằng rổ lưới mắt nhỏ với 600ml nước, sau đó lọc lại cho hết cặn và xác cua.
Bắc nồi nước cua lên bếp, nêm vừa ăn, đun lửa to và dùng đũa khuấy theo chiều kim đồng hồ đến lúc nồi nóng và nước cua chuyển sang màu đục thì thôi. Khi cua đã nổi kín mặt nồi và canh sôi thì hạ lửa thật nhỏ để chin cái cua,
Hoa thiên lý nhặt bỏ phần sâu, giập, rửa sạch với nước muối, để ráo.
Chờ canh sôi thì cho hoa thiên lý vào, vặn lửa to để canh sôi lại. Cho chỗ gạch cua đã làm sạch vào nồi canh đang sôi để gạch cua tan ra, tạo thành một màu vàng trên mặt nồi canh thì tắt bếp.
Nêm bột gia vị, hạt nêm sao cho vừa ăn.
Cho canh ra tô và chuẩn bị ăn.
Khi bắc nồi lên bếp, phải dùng đũa khuấy lien tục để thịt cua không bị lắng xuống đáy nồi, đến khi nồi nóng lên thì thịt cua sẽ nổi váng, đóng thành cái cua rất chắc. Đây là bí quyết để nồi canh cua ngon không bị vỡ cái.
Khi nồi canh bắt đầu sôi thì phải vặn lửa nhỏ để cái cua kết thành mảng. Nếu bạn đun lửa to thì cái cua sẽ bị nát vữa, nhìn nồi canh không đẹp mắt.
Đối với canh riêu thì ta nên chưng gạch cua với dầu ăn hoặc mỡ rồi mới dội vào nồi canh để tạo màu mỡ cho bát canh riêu. Nhưng đối với canh cua nấu rau thì lại cần độ ngọt và trong của nước. Vì vậy không nên chưng gạch mà chỉ đổ gạch cua vào khi nước đang sôi, lúc này gạch cua sẽ tan và bám vào rau.
Cho gạch sống vào còn giúp bát canh có độ trong veo, không váng mỡ, rất hấp dẫn và phù hợp ăn trong thời tiết nóng bức mùa hè.