Người vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng sẽ bị xóa hộ khẩu. Ảnh: baodautu.vn
Xóa đăng ký thường trú
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú 2020 nêu rõ 09 trường hợp thì bị xóa đăng ký thường trú:
(1) Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết. (2) Ra nước ngoài để định cư. (3) Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú trong trường hợp cơ quan, người có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký thường trú không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng.
(4) Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng. (5) Đã được cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.(6) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới.
(7) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp (8). (8) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; (9) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.
Nếu là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú 01 lần. Ảnh: nld.com.vn
Bắt buộc đăng ký lưu trú
Theo Điều 30 Luật Cư trú 2020 quy định khi có người đến lưu trú thì thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.
Trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú phải thông báo việc, lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú. Trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú 01 lần.
Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú. Trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì phải thông báo lưu trú trước 08 giờ ngày hôm sau.
Người có trách nhiệm trực tiếp thông báo tại trụ sở Công an cấp xã, phường, thị trấn; hoặc có thể thông báo bằng điện thoại; phương tiện điện tử; phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Khi thông báo lưu trú không cần mang theo hồ sơ, giấy tờ nào. Người thực hiện thông báo lưu trú nên mang theo Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân và sổ hộ khẩu để chứng minh danh tính của mình khi thực hiện thủ tục hành chính.
Nội dung gì thông báo lưu trú gồm họ và tên; số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người lưu trú; lý do lưu trú; thời gian lưu trú; địa chỉ lưu trú.