Cho dù, trong tháng 3 và tháng 4, Tổ công tác kiểm tra công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, biển hiệu trên địa bàn TP Hà Nội đã nhắc nhở, ký cam kết nhưng các cơ sở kinh doanh vẫn cố tình chây ì.
Một cửa hàng Thế giới di động trên đường Ngọc Hồi, Thanh Trì. Ảnh: Thanh Loan |
Trong 145 cơ sở có bảng quảng cáo mang thương hiệu Thế giới di động vi phạm thì tại quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai là có số lượng vi phạm nhiều nhất. Quận Bắc Từ Liêm có các cơ sở số 1 Xuân Đỉnh, 245 Phạm Văn Đồng… Quận Nam Từ Liêm các cơ sở có bảng quảng cáo mặt tiền quá khổ bao gồm: 238 Nguyễn Trãi, 55 Nguyễn Hoàng, 38 Lê Quang Đạo, 446 Đại Mỗ… Quận Hoàng Mai có các cơ sở kinh doanh để biển mặt tiền vi phạm như: 1375 Giải Phóng… Không chỉ điển hình về số lượng vi phạm, mà kích cỡ biển quảng cáo mặt tiền của thương hiệu Thế giới di động luôn vượt 5 - 6 lần quy định cho phép. Nhiều biển chùm lên hông tường, nóc nhà bên công trình xây dựng nhà ở. Theo ghi nhận của Tổ công tác, hiện nay mới có 2 cơ sở kinh doanh tại 468 – 470 Xã Đàn, 146 Kim Mã có động thái tháo dỡ, thu hẹp diện tích bảng quảng cáo quá khổ. “Mặc dù, diện tích sau khi thu hẹp của các cửa hiệu này chưa đạt chuẩn trong quy định cho phép nhưng cũng ghi nhận động thái hợp tác của chủ cơ sở kinh doanh. Sau khi thống kê toàn bộ số lượng bảng quảng cáo vi phạm của thương hiệu này, chúng tôi sẽ yêu cầu các quận, huyện sát sao. Nếu các cơ sở không chủ động tháo dỡ sẽ yêu cầu cưỡng chế” – ông Bùi Minh Hoàng – Trưởng phòng Quản lý văn hóa.
Ngoài thương hiệu Thế giới di động, các thương hiệu Trần Anh có 14 cơ sở, Điện máy xanh là 25 cơ sở, FPT là 52 cơ sở vi phạm kích cỡ bảng, biển hiệu. Theo báo cáo kết quả kiểm tra của Sở VH&TT Hà Nội ban hành ngày 25/4 (báo cáo số 60/BC-SVHTT) thực trạng vi phạm chủ yếu của các bảng quảng cáo mặt tiền là bảng quảng cáo đã được tháo dỡ nội dung, cuốn nội dung để trơ khung sắt gây mất mỹ quan đô thị, biển hiệu thể hiện nội dung không đúng quy định, biển hiệu có diện tích lớn, che kín toàn bộ mặt tiền, vượt lên nóc công trình; hầu hết các đơn vị không làm hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đối với nội dung quảng cáo trên bảng quảng cáo. Trước thực trạng trên, Sở VH&TT Hà Nội đã kiến nghị với UBND TP đôn đốc các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện Quy chế quản lý hoạt động quản lý quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP; chỉ đạo Sở Xây dựng cấp phép xây dựng các công trình quảng cáo; đôn đốc các đơn vị liên quan gửi kết quả công tác kiểm tra, xử lý, cưỡng chế, tháo dỡ bảng quảng cáo, biển hiệu vi phạm đến UBND TP…