![]() |
Đàn lợn gần 6.000 con chết nổi trên mặt nước. |
Chiều ngày 14/10, sau 4 ngày chết nổi trong nước, gần 6.000 con lợn ở trang trại chăn nuôi của Công ty Thái Dương liên kết với Trại 5 (Tổng cục 8, Bộ Công an), mới được đưa đi tiêu hủy.
Vị trí chôn lấp đàn lợn được chọn tại một khu đất trống của phân trại số 3 thuộc Trại giam số 5. Hàng chục lượt xe tải được huy động đến hiện trường để đưa số lợn chết đi tiêu hủy.
![]() |
Xác lợn chết được đưa vào bao nylon đưa tới nơi tiêu hủy. |
Theo đó, để tránh ô nhiễm môi trường, các đơn vị chức năng đã buộc phải phân lực lượng điều khiển thuyền, bè vào trang trại, cho xác lợn vào bao nylon rồi kéo lên bờ đưa đi tiêu hủy.
Ông Lê Văn Bình - Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trương tỉnh Thanh Hóa), chỉ đạo đội xử lý chia nhỏ số lợn để chôn lấp theo đúng quy chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
![]() |
Phía dưới được lót bạt để tiêu hủy số lợn chết. |
Mỗi hố chôn được máy múc đào lên sâu khoảng 2m, phía dưới được lót bạt để tiêu hủy số lợn chết. Một lượng lớn hóa chất đã được vận chuyển đến khu vực tiêu hủy dùng để phun khử trùng tại khu vực hiện trường.
Hiện tại, công tác tiêu hủy đàn lợn đang được huyện yên Định và Trại giam số 5 phối hợp với các ngành chức năng nỗ lực ở mức cao nhất. Lợn chết được chôn đến đâu, công tác xử lý môi trường theo quy trình đến đó.
![]() |
Nhân viên môi trường dùng hóa chất tiêu độc, khử trùng. |
Trước đó, vào chiều 10/10, nước lũ sông Hép lên nhanh, gây vỡ đê khiến trang trại lợn nằm rìa khu đất Trại giam số 5 (thuộc Tổng cục 8, đóng tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định) ngập sâu trong biển nước. Cán bộ, nhân viên của trang trại cùng công an trại giam đã vội lao vào cứu nhưng không kịp. Chủ trại thống kê, gần 6.000 con lợn bị mắc kẹt, chết trong nước lũ. Chỉ có khoảng 200 con lợn được cứu. Ngày 14/10, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có chỉ đạo phải xử lý khẩn trương số lợn chết, đảm bảo vấn đề môi trường. |