Bộ Tài chính đề xuất tăng hàng loạt loại thuế
|
Bộ Tài chính vừa tổ chức cuộc họp báo chuyên đề “Giới thiệu Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên”. Trong đó, Bộ đã đề xuất đánh thuế tiêu thụ với nước ngọt, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá và tăng thuế VAT.
Các loại nước ngọt phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm: có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền đóng gói trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa. Mức thuế suất áp dụng là 10%, bắt đầu từ năm 2019
Đối với mặt hàng thuốc lá, Bộ Tài chính cho biết đang cân nhắc 2 phương án. Phương án một là áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp (cả thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối).
Theo quy định, lộ trình thuế đối với thuốc lá sẽ là 70% (2016), 75% (2019). Đồng thời bổ sung thêm mức tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/điếu xì gà, áp dụng từ 1/1/2020. Phương án hai là tăng thuế suất theo lộ trình, từ năm 2020, mức thuế sẽ tăng từ 75% lên 80%. Từ năm 2021, mức thuế sẽ tăng lên 85%.
Đối với thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính cũng đưa ra 2 phương án tăng thuế. Phương án 1, tăng thuế từ 10% lên 12% (kể từ ngày 1/1/2019). Phương án 2, đề nghị tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021.
Bên cạnh đó, với lý do áp dụng thuế suất 5% sẽ không bảo đảm bình đẳng giữa các lĩnh vực, ngành nghề, Bộ Tài chính đề nghị chuyển nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ sang áp thuế giá trị gia tăng 10%, trong đó có nước sạch, một số loại máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, giáo dục. Những nhóm còn lại đề nghị tăng thuế giá trị gia tăng lên 6%.
Dự kiến giảm thuế cho 98% doanh nghiệp trong nước
|
|
Bên cạnh việc đề xuất tăng thuế như trên, tại Luật thuế thu nhâp doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đáp ứng và tương thích với Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ số 04/2017/QH14 mới được Quốc hội ban hành.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp siêu nhỏ (tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng) được áp dụng mức thuế suất 15%.
DNNVV có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 200 người, đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 - 50 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 17%.
Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% là tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm.
Để tránh các trường hợp doanh nghiệp thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, dự thảo của Bộ Tài chính cũng quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với doanh nghiệp là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ nắm giữ từ 25% vốn chủ sở hữu của công ty con trở lên.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đưa ra ba nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, gồm: quy định phương pháp nộp thuế giá trị gia tăng và thuế TNDN đơn giản cho doanh nghiệp siêu nhỏ; tỷ lệ thu thuế đối với nhà thầu nước ngoài; bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và tỷ lệ DNNVV tại Việt Nam cũng chiếm một tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97-98%), được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế.
Kéo dài thời hạn hoàn thành bán cổ phần của VTVcab
|
|
Ngày 15/8/2017, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Đài Truyền hình Việt Nam truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đối với đề nghị giữ nguyên giá trị doanh nghiệp đến thời điểm bán cổ phần của Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam - VTVcab.
Văn phòng Chính phủ cho biết, trên cơ sở xem xét báo cáo của Đài Truyền hình Việt Nam và ý kiến của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư về đề nghị giữ nguyên giá trị doanh nghiệp đến thời điểm bán cổ phần của VTVcab, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý Đài Truyền hình Việt Nam kéo dài thời hạn hoàn thành bán cổ phần lần đầu của VTVcab đến ngày 30/9/2017 và không phải điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2015 đã được Đài Truyền hình Việt Nam công bố.
Đài Truyền hình Việt Nam có trách nhiệm thực hiện cổ phần hóa VTVcab theo đúng quy định; cập nhật biến động tài sản (nếu có), cáo bạch và điều chỉnh giá trị phần vốn nhà nước tăng lên (nếu có) khi quyết toán và chuyển thành công ty cổ phần.
1,33 tỷ cổ phiếu VPB chính thức niêm yết tại HoSE
|
|
Ngày 17/8, 1,33 tỷ cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã chính thức được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với giá tham chiếu là 39.000 đồng.
Trong phiên mở cửa (ATO) của phiên chào sàn, cổ phiếu VPBank được giao dịch khối lượng khủng xấp xỉ 46 triệu cổ phiếu với giá 39.000 đồng/CP, tổng giá trị giao dịch gần 1.800 tỷ đồng.
Tại mức giá này, VPBank đang đứng thứ 4 trong nhóm cổ phiếu ngân hàng và cũng chính thức bước chân vào Top 10 vốn hóa thị trường. Đáng chú ý, có hơn 37 triệu cổ phiếu được khối ngoại mua ròng ngay đầu phiên. Như vậy, ngay sau khi niêm yết, cổ phiếu VPBank đã kín "room" dành cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trước đó, ngày 8/8/2017, HOSE đã có công văn chấp thuận việc niêm yết cổ phiếu của VPBank và ngày 19/07/2017, VPBank đã được UBCKNN xác nhận là Công ty đại chúng theo Công văn số 5043/UBCK-GSĐC, với tổng vốn điều lệ đạt 14.059 tỷ đồng.
Sau khi cân đối mối tương quan giữa hoạt động kinh doanh của VPBank so với thị trường, xem xét đến giá trị tài sản vô hình như thương hiệu và uy tín mà ngân hàng đang có trên thị trường, đồng thời căn cứ vào phân tích của các tổ chức tư vấn niêm yết, Hội đồng quản trị VPBank đã quyết định đề xuất mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 39.000 đồng/CP.