Mạng xã hội đầy quyến rũ
Theo một khảo sát nhỏ với các sinh viên đại học, người làm truyền thông, và một người ngẫu nhiên có sử dụng mạng xã hội. Số người truy cập mạng xã hội hơn 10 lần/ngày chiếm hơn 70%, trong đó đa số muốn và phải truy cập mạng xã hội liên tục. Đáng chú ý, tỉ lệ người chọn truy cập dưới 3 lần/ngày là thiểu số...
Nhóm đối tượng truy cập mạng xã hội dưới 3 lần/ngày là thiểu số trong khảo sát - Ảnh minh họa. |
Nhưng khảo sát trên cũng như nhiều nghiên cứu khác đã cho thấy: Các cá nhân có thể dừng đăng các thông tin về cuộc sống lên trang mạng xã hội trong một thời gian dài, nhưng không thể ngừng việc nhắn tin, gọi điện trực tuyến. Theo tháp nhu cầu Maslow, mọi người đều có nhu cầu cao trong việc được giao tiếp và chủ động trong mọi mối quan hệ. Mạng xã hội là môi trường lý tưởng, là công cụ lý tưởng cho nhu cầu ấy!
Cách mọi người sử dụng mạng xã hội cũng thể hiện tính cách cá nhân họ.
Tính cách của con người được chia làm hai định hướng chính: Hướng nội và hướng ngoại. Người hướng nội thường chia sẻ những quan điểm, cảm xúc về cuộc sống, tình yêu. Người hướng ngoại thì thường hay chú ý đến các vấn đề "hot", rồi sẽ có bao nhiêu lượt like, share, comment… chia sẻ của mình.
Nhưng dù các thể hiện có thế nào, thì nguy cơ "nghiện" mạng xã hội thực sự hiện hữu, đã xảy ra với hầu hết người sử dụng nó.
"Cái bẫy ngọt ngào” mà mạng xã hội giăng ra đánh đúng vào nhu cầu, sở thích và xu hướng của mọi người dùng, lại không lấy của họ bất cứ xu nào. Cuối cùng, nó trở thành cỗ máy thấu hiểu hết mọi hành vi, sở thích, thậm chí là… nét tính cách, của người dùng (?!)
Có những "đám đông" cuồng nộ và khờ dại
Báo chí, trang mạng đã đăng tải hằng hà những thông tin dạng: Cô gái trẻ muốn tự tử vì các tin đồn trên mạng xã hội; Nữ sinh đánh nhau trong quán Internet vì bị nói xấu trên facebook…
Mạng xã hội, dễ hiểu hơn là biểu tượng facebook, từ bao giờ đã trở thành áp lực khủng khiếp đối với người sống ngoài đời thực tới vậy!?
Dân mạng thường dễ dàng lên án người khác, khi chưa kịp nhìn đa chiều - Ảnh minh họa. |
Khổ sở hơn, đầy rẫy hơn, là những tin tức kiểu "Nam sinh viên làm bạn gái có thai”, "nữ sinh bị đánh ghen vì…" Rồi sau đó, những nhân vật trong câu chuyện, qua 10 ngón tay của các anh hùng bàn phím, đã trở thành tội đồ, không hiểu tại sao mình không thể ngẩng mặt lên nổi, cũng không có cách nào giải thích cho đủ đầy. Những "đám đông" trên mạng xã hội có thể cứu người, cũng có thể giết người, chỉ bằng vài thao tác gõ phím.
Theo Gustave Le Bon, trong cuốn ''Tâm lý học đám đông'' nói: Những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng. Họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất.
Vả lại, do thể trạng của mình, những đám đông ấy cần có một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa. Đám đông có thể trở thành tội đồ, hay một người hùng, là do điều đó.
Chúng ta là ai, trong những "đám đông"?
Hãy tỉnh táo và dám buông bỏ
Thói quen, sự "vô thức" cũng hình thành và hiện hữu ngay trong đời thực. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh biển người trong các lễ hội, với hàng vạn con người chen chúc, xô đẩy. Thanh niên có, phụ nữ có, người già có, trẻ em có. Họ cùng lao về phía trước, dù có thể chẳng biết lao tới để làm gì, có ích gì !?
Có thể, đám đông vô thức ở một số lễ hội bị tác động bởi tâm lý muốn thỏa mãn mong muốn về tâm linh, cố mưu cầu danh lợi, bình yên từ các bậc thánh thần. Nhưng cái họ nhận ngay và luôn, là nỗi đau khổ về thể xác, những tiếng khóc la của trẻ nhỏ, người già ngay bên cạnh… Rồi năm này qua năm khác, họ vẫn lên đường, vẫn lao về phía trước. Tất nhiên, cũng như mọi năm, họ có thể chẳng biết lao tới để làm gì, có ích gì !?
Báo chí, truyền thông cũng có một phần trách nhiệm, khi "dẫn dắt" đám đông.
Đừng biến mình trở thành một phần của những "đám đông" nguyên thủy - Ảnh minh họa. |
Như vụ tử hình tử tù Nguyễn Hải Dương, chính báo chí như bất chấp để chạy theo views, để tương tác thật nhiều hơn nhiều hơn nữa. Để rồi, hàng vạn, hàng triệu lượt like share trên mạng xã hội, đa phần là thù hận, khát máu. Đám đông cuồng nộ trên mạng xã hội lại được bắc cầu, được tiếp thêm "sinh khí" để vùi dập cái ác đã là quá khứ, dù cái nên, cái cần phải là sự tha thứ - mảnh đất cho mầm thiện đâm chồi.
Qua rất nhiều câu chuyện "đám đông" trên mạng xã hội, từ chuyện ca sĩ Hồ Ngọc Hà, MC Phan Anh, KhaiSilk…, có thể thấy "đám đông" đã chưa nhìn nhận sự kiện, hiện tượng một cách đầy đủ, đa chiều.
Còn nhớ, Jacques Vergès, vị luật sư nổi tiếng chuyên bào chữa cho những tội phạm giết người khét tiếng nhất, từng nói: "Trong trái tim kẻ tội phạm gớm ghiếc nhất có một khu vườn bí mật. Và trái tim của người trung thực nhất cũng có thể là cái ổ của những loài rắn độc." Nên hãy đừng bỏ qua "khu vườn bí mật" trong mỗi con người. Đó cũng là con đường ngắn nhất để "cái ổ của những loài rắn độc" trong chính chúng ta có cơ hội sinh sôi.
Thế nên, dù trong đời thực hay thế giới ảo, trước hết, là chúng ta đều phải đặt ra cho bản thân những nguyên tắc.
Thật đơn giản, chúng ta hãy thử tự đặt câu hỏi cho bản thân mình khi nhập cuộc vào bất cứ "đám đông" nào, rằng: Người đứng đầu "đám đông" ấy là ai? Người đó đã thể hiện tính cách như thế nào? Cách cư xử của "đám đông" ấy ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực tới cộng đồng? Vài thành phần tiêu biểu trong "đám đông" ấy theo trực giác của chúng ta là tốt hay xấu? Chúng ta được gì, mất gì khi tham gia cùng họ?...
Hỏi mình xong, cũng là cách chúng ta giúp mình trở thành người tiếp cận thông tin một cách tỉnh táo, để quyết định bước vào hay đứng lại trước lời réo gọi của "đám đông". Và quan trọng là, chúng ta sẽ không trở thành “miếng mồi ngon” để kẻ xấu, tự biến mình trở thành một phần của những "đám đông" nguyên thủy và hoang dã…
Mạng xã hội hiểu chúng ta qua nhịp sống của từng chúng ta trên môi trường internet. Cỗ máy ấy biết chúng ta đi đâu, làm gì, thích ăn gì, mua gì, gợi ý cho ta điều gì…
Vậy tại sao chúng ta không thể hiểu và buộc mình phải hiểu mình, hỡi những "đám đông" ?!