Theo đó, UBND TP cho biết, từ kinh nghiệm tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ đợt 1, đợt 2 và trên cơ sở thống kê, báo cáo từ UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, trong thời gian tới, trên địa bàn TP sẽ có gần 2.000.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn với hơn 6.400.000 nhân khẩu; người đang lưu trú tại TP thật sự khó khăn.
Vì vậy, UBND TP đề xuất Thường trực HĐND TP chính sách hỗ trợ đợt 3, với số lượng người hỗ trợ (dự kiến) là 7.347.116 người. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người bằng hình thức trực tiếp hoặc chuyển khoản (tùy theo nhu cầu người nhận).
Bộ đội trao quà do chính phủ hỗ trợ đến tận tay từng hộ dân khó khăn trên địa bàn quận 12, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hà Nam
UBND TP cho biết đây là số liệu dự kiến. UBND TP đang chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát, đối chiếu, xét duyệt danh sách trình UBND quận, huyện và TP Thủ Đức thẩm định, phê duyệt; cập nhật số liệu cuối cùng, đưa vào kế hoạch của UBND TP để triển khai thực hiện.
Kinh phí dự kiến là hơn 7.347 tỷ đồng, từ ngân sách TP (bao gồm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương và nguồn kết dư ngân sách năm 2019 đang theo dõi trong số thu ngân sách năm 2020).
Nguyên tắc hỗ trợ đảm bảo chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú, không lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.
Cụ thể, cho 5 nhóm đối tượng được UBND TP đề xuất, gồm:
1.Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn.
2.Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm những trường hợp đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương).
3.Người phụ thuộc của đối tượng (2) gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm những trường hợp đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương).
4.Cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc; sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ của người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia BHXH, người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8/2021; có hoàn cảnh thật sự khó khăn, đang có mặt tại xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm những trường hợp đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương).
5.Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo có hoàn cành thật sự khó khăn trong thời gian TP thực hiện giãn cách và đang có mặt tại xã, phường, thị trấn.
TP không hỗ trợ đối với các trường hợp: người đang hưởng lương hưu; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; người lao động đang tham gia BHXH; người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8/2021.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, trước đó, trong sáng cùng ngày 22/9, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Quân y (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) cho biết, vừa có thêm 4.000 quân nhân chi viện TP chống dịch.
Theo đó, từ chiều ngày 21/9, 800 cán bộ, chiến sĩ đợt tăng cường đầu tiên đã tới TP, đóng quân tại Trung đoàn Gia Định ở huyện Hóc Môn trước khi phân về 314 trạm y tế lưu động (nay tăng lên 500 trạm) làm nhiệm vụ. 3.200 người còn lại sẽ chi viện từ đơn vị lân cận TP trong thời gian tới.
Lực lượng tăng cường gồm bác sĩ, cán bộ điều dưỡng, học viên từ Học viện Quân y và quân khu ở các tỉnh phía Nam, trước mắt sẽ hỗ trợ TP ở cao điểm xét nghiệm truy vết.
Kế hoạch "thần tốc" xét nghiệm từ nay đến 30/9, TP sẽ lấy mẫu toàn bộ người dân ở các "vùng đỏ, cam" 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình. 4.000 quân nhân cùng lực lượng hiện có sẽ tăng công suất xét nghiệm lên 750.000 mẫu mỗi ngày. Đây là lần thứ tư TP lấy mẫu diện rộng toàn TP tính từ cuối tháng 5/2021.
TP Hồ Chí Minh đề nghị công nhận huyện Nhà Bè kiểm soát được dịch Covid-19 Kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra do Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu làm trưởng đoàn (ngày 15/9) làm việc tại UBND huyện Nhà Bè cho thấy, trong 3 tuần từ ngày 23/8 đến 12/9, số ca mắc mới của huyện giảm từ 2.756 xuống 1.635 ca và tuần cuối cùng còn 1.144 ca. Tỉ lệ giảm là 58% tại tuần thứ ba so với tuần cao điểm nhất. Cũng trong thời gian từ 23/8 đến 12/9, huyện xét nghiệm gần 327.000 mẫu PCR, tỉ lệ mẫu dương tính là 1,7%. Số ca mắc vào ngày 24/8 là 660 ca đến ngày 10/9 còn 139 ca. Tỉ lệ mẫu xét nghiệm dương tính trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày. Từ 6/9 đến 12/9, huyện ghi nhận 1.144 ca cộng đồng. Tuy nhiên trong vòng 7 ngày này, huyện không ghi nhận chùm ca nhiễm mới. Ngoài ra, huyện Nhà Bè cũng đạt các tiêu chí thuộc nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm; giảm tối thiểu 30% các xã mức độ nguy cơ và nguy cơ cao, nguy cơ rất cao. Qua kiểm tra, thẩm định và đối chiếu với Quyết định 3979 của Bộ Y tế về "Tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh", đoàn kiểm tra nhận thấy 3 tiêu chí đều đạt. Do đó, đoàn Kiểm tra đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP công nhận và công bố huyện Nhà Bè về cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19. Trước đó, 3 địa phương khác tại TP đạt các tiêu chí kiểm soát dịch là quận 7, Củ Chi và Cần Giờ. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. |