Án tử vì chủ mưu, thao túng ngân hàng
Theo đó đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị mức án dành cho bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh (SN 1960, nguyên Giám đốc Agribank Bến Thành) tử hình về tội “Tham ô tài sản”, chung thân về tội “Nhận hối lộ”, từ 12-14 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt cho 3 tội danh là tử hình.
Theo đại diện Viện KSND, trong vụ án này, bị cáo Oanh chủ mưu, thao túng, sắp xếp người thân giữ các vị trí quan trọng trong Agribank Bến Thành, lôi kéo cấp dưới giúp sức cho mình lập nhiều hồ sơ giả nhằm tham ô hàng chục tỷ đồng của ngân hàng do mình làm giám đốc. Hành vi của bị cáo Oanh gây nguy hiểm cho xã hội, cần loại bỏ khỏi đời sống xã hội.
Bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh bị VKS đề nghị mức án tử hình. |
Đối với bị cáo Lê Văn Tính (SN 1958, nguyên Giám đốc Công ty Gia Thuận, Công ty Kim Gia Thảo), lập ra nhiều công ty do mình đứng tên hoặc để vợ, con đứng tên (tổng cộng 5 công ty – PV) để vay hàng trăm tỷ đồng từ Agribank Bến Thành rồi mất khả năng chi trả. Tính đến ngày 20/11/2012 (ngày khởi tố vụ án), số tiền thiệt hại mang tên 5 công ty của Lê Văn Tính, tổng cộng cả gốc và lãi trên 301 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc trên 255 tỷ đồng. Dư nợ lãi trong hạn gần 36 tỷ đồng, lãi quá hạn trên 10 tỷ đồng. Trong khi đó toàn bộ tài sản bảo đảm tiền vay của Tính chỉ trên 75 tỷ đồng, đến nay Lê Văn Tính không có khả năng trả nợ, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho ngân hàng. Vì vậy đại diện Viện KSND đề nghị mức án chung thân về “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 14-16 năm tù về tội “Đưa hối lộ” đối với Tính, tổng hợp hình phạt chung thân để cách ly khỏi đời sống xã hội.
Mẹ kế, con chồng cùng vào tù
Đại diện Viện KSND cũng đề nghị mức án dành cho nhóm bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Bến Thành, gồm: Nguyễn Quốc Việt (SN 1981, nguyên Phó trưởng phòng giao dịch Viễn Đông - Agribank Bến Thành) từ 16-18 năm tù cho tội “Tham ô tài sản”, 11-12 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp hình phạt từ 27-30 năm tù. Bị cáo Cao Bảo Hiếu (SN 1981, nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch – Kinh doanh Agribank Bến Thành) 14-15 năm tù cho tội “Tham ô tài sản”, 8-9 năm tù cho tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp hình phạt từ 22-24 năm tù. Bị cáo Bùi Công Tiến (SN 1959, thủ quỹ Agribank Bến Thành) 14-15 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, 8-9 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp hình phạt từ 22-24 năm.
Các bị cáo Hồ Đình Thanh (SN 1981, nguyên cán bộ phòng Kế hoạch – Kinh doanh Agribank Bến Thành) và Huỳnh Ngọc Thạch (SN 1982, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên Lục Địa, con rể bị cáo Oanh) bị đề nghị mỗi bị cáo từ 12-18 tù về tội “Tham ô tài sản”.
Nhóm bị cáo can tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gồm: Trần Trường Vũ Sơn Quyên (SN 1982, nguyên Kế toán trưởng Công ty TNHH Kim Gia Thuận), Phạm Đình Kim Phi (SN 1977, nghề nghiệp tự do, vợ bị cáo Lê Văn Tính), Huỳnh Thị Lan Phương (SN 1986, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Quang Phương) và Lê Thị Hòa (SN 1987, Giám đốc Công ty TNHH XNK Thắng Lợi, con gái bị cáo Lê Văn Tính) bị đề nghị từ 4-8 năm tù cho mỗi bị cáo.
Chiêu đảo nợ gây “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng
Từ năm 2008, Nguyễn Thị Hoàng Oanh được bổ nhiệm chức Giám đốc Agribank Bến Thành. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, Oanh đã sử dụng tên của 8 cá nhân (7 cá nhân trong năm 2008 và 1 cá nhân năm 2009) lập khống các hồ sơ và hoàn tất các thủ tục vay vốn để chiếm đoạt 26.600 chỉ vàng SJC (tương đương 47.212.900.000 đồng) của Agribank Bến Thành. Khi rút được tiền từ ngân hàng, Oanh dùng 22.500 (2.250 lượng) mua căn nhà 225 B-C Trần Quang Khải (P.Tân định, Q.1 – TP.HCM) cho con gái đứng tên rồi dùng chính căn nhà này cho 1 phòng giao dịch của Agribank Bến Thành thuê lại để thu lợi bất chính với số tiền cho thuê nhà trên 5,6 tỷ đồng. Số tiền còn lại Oanh sử dụng cá nhân, không chia cho ai.
Khi đến hạn trả nợ, Oanh chỉ đạo một số nhân viên dưới quyền dùng Công ty TNHH Liên Lục Địa của Huỳnh Ngọc Thạch (đến năm 2011 trở thành con rể Oanh - PV) và lấy tên 1 số cá nhân, doanh nghiệp khác lập các hợp đồng vay vàng, tiền của Agribank Bến Thành nhằm đảo nợ cho các khoản vay trên. Số 23.600 chỉ vàng mang tên 7 cá nhân nợ năm 2008, được Oanh đảo nợ nhiều lần chuyển từ vay vàng sang vay tiền rồi cuối cùng được chuyển sang số tiền dư nợ mang tên Công ty TNHH Liên Lục Địa. Sau đó Oanh không có khả năng thanh toán cho Agribank Bến Thành. Tính đến ngày 20/11/2012 (ngày Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can - PV), dư nợ cả gốc và lãi gần 45 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc trên 31 tỷ đồng, nợ lãi trên 13 tỷ đồng.
Ngoài ra Oanh còn ký duyệt cho Trương Thế Thanh (em rể bị cáo Oanh, đã chết, nguyên Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh 3 – PV) lấy tên 2 người khác vay 13 tỷ đồng của Agribank Bến Thành để sử dụng vào mục đích cá nhân. Sau đó Thanh không có khả năng trả nợ. Hành vi này của Oanh đã giúp sức cho Thanh tham ô của Agribank Bến Thành 13 tỷ đồng. Chỉ riêng số tiền Oanh phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tham ô tài sản trên 60,2 tỷ đồng.
Tội “Tham ô tài sản” theo điều 278 Bộ luật Hình sự 1999 Trong vụ án này, các bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Bến Thành bị truy tố tội “Tham ô tài sản” theo điểm a, khoản 4 điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999 đều phản cung cho rằng không phạm tội “Tham ô tài sản” vì họ làm theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh và họ cũng không được hưởng lợi gì từ việc tiếp tay cho Oanh chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Điểm a, khoản 4 điều 278, quy định: “Chiếm đoạt tài sản giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”. |