Là kết quả nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng Việt được đưa ra trong Báo cáo về “Xu hướng đa nền tảng” tại Việt Nam và 9 nước châu Á năm 2015 được thực hiện bởi Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen.
Theo báo cáo của Nielsen, số lượng người Việt sở hữu điện thoại thông minh đã tăng thêm 9%, đạt mức 91% so với mức 82% trong năm 2014, nghĩa là cứ 10 người Việt thì có 9 người sử dụng điện thoại thông minh.
Người Việt mất 3 ngày mỗi tuần để lướt web. |
Các thiết bị dùng để truy nhập vào Internet khác còn có: thiết bị truyền hình cáp (chiếm 79%); máy tính xách tay (chiếm 78%) và máy tính bàn (chiếm 75%).
Với sự sở hữu nhiều các thiết bị kết nối thuận lợi Internet tốc độ cao xung quanh, dễ hiểu thời gian ở trên mạng của người dùng vì thế sẽ tăng hơn.
Cụ thể, báo cáo chỉ ra rằng trung bình người tại khu vực Đông Nam Á sử dụng khoảng 3 ngày làm việc để vào mạng Internet mỗi tuần. Trong đó, người Việt trung bình sử dụng 24,7 giờ để truy cập trực tuyến hằng tuần, tăng 9 giờ so với năm 2014. Người dùng ở Philippines cũng sử dụng ngần ấy thời gian để truy cập online.
Trong 9 thị trường Châu Á được khảo sát gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan và Hồng Kông, thị trường Singapore có tỷ lệ người dân truy cập mạng, tương tác trực tuyến nhiều nhất khu vực với 25,9 giờ/tuần, vượt qua nhiều nước như Thái Lan, Đài Loan và Ấn Độ, nơi có hạ tầng mạng phát triển.
Ngoài ra, Nielsen cũng cho biết tại Việt Nam nhóm người độ tuổi từ 21 – 29 tuổi dành nhiều thời gian nhất để online, lên đến 27,2 giờ mỗi tuần; tăng mạnh nhất so với các nhóm tuổi khác. Nhóm tuổi tiếp theo dành nhiều thời gian để truy cập trực tuyến là nhóm tuổi từ 40 trở lên, trung bình khoảng 22,6 tiếng/tuần.
Khảo sát của Nielsen cho thấy, TV truyền thống tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu xét về khía cạnh nền tảng cung cấp nội dung và thông tin cho người tiêu dùng ,với 72% người tiêu dùng vẫn thường xuyên xem TV. Tuy nhiên, các nền tảng thay thế đang phát triển mạnh mẽ; 78% người tiêu dùng cho biết họ xem phim ảnh và các chương trình truyền hình bằng các nền tảng trực tuyến như video theo nhu cầu (VOD: video-on-demand). Và 67% người tiêu dùng sử dụng dịch vụ VOD nói rằng họ xem các nội dung qua VOD mỗi ngày. YouTube (97%), Facebook (81%) và trang nghe nhạc nhaccuatui.com (56%) là 3 trang web phổ biến nhất được người tiêu dùng sử dụng để xem các nội dung VOD.
Các thiết bị kết nối phổ biến tại Việt Nam. |
Cũng theo báo cáo của Nielsen, hơn 9 trên 10 người Việt yêu thích sử dụng hai thiết bị cùng lúc. Hầu hết Người Việt đều thích tương tác với các thiết bị truy cập internet khác ngay trong lúc họ đang xem TV, bất kể họ ở nhóm tuổi nào. Một điều đáng chú ý là không có thiết bị nào được xem là thiết bị ưu tiên để truy cập online trong lúc người tiêu dùng đang xem TV vì người tiêu dùng sử dụng cả smartphone, máy tính để bàn cũng như máy tính xách tay.
Nielsen chỉ rõ, việc hiểu về thói quen sử dụng và truy cập thông tin cũng như nội dung số của người tiêu dùng sẽ quyết định đến việc các nhà sản xuất, doanh nghiệp đưa ra nội dung thông tin đạt hiệu suất cao. Bên cạnh đó, số người Việt truy cập mạng nhiều và ngày càng trẻ hóa, nên đây là cơ hội và điều kiện lý tưởng để các doanh nghiệp, hãng xây dựng các kết nối thương mại trên nền tảng nội dung số như: mua bán trực tuyến; các hình thức thương mại liên quan đến khởi nghiệp…